THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:08

Làng triệu phú dưới chân Phja Slứm

Triệu phú vùng biên viễn

Người dẫn đường bảo rằng, Phja Slứm là ngọn núi của gió, ngọn của núi mây, muốn chạm mây thì lên đỉnh núi, muốn nhìn toàn cảnh một vùng đất Việt, đất Trung thì,... cũng lên đỉnh núi. Trên đỉnh núi, cầm viên đá ném mạnh tay là viên đá bay sang đất Trung Hoa. Bên triền núi, ẩn hiện một ngôi làng hơn chục hộ dân sinh sống, họ khơi đá tai mèo, móc đất trỉa ngô, trồng bí, xa hơn là ngôi làng có những con người gần năm trời rồi chưa được ngửi thấy mùi cơm, phải quảy xô đi hàng chục km mới có nước uống khi mùa khô đang đến gần, rồi những con người ngồi bó gối trên mỏm đá đợi lượt vào ăn cưới, rồi những ngôi nhà bỏ trống hàng tuần khi chủ nhân còn bận đi ăn cỗ,... Và, dưới chân núi là làng Phja Bủng. Phja Bủng hiện ra như một bức tranh thủy mặc khiến người ta liên tưởng đến thi pháp thơ Đường: Có cây, có suối, có mây, có núi, có con người...

Trưởng làng Lương Văn Kiếm đang giới thiệu về cách đồng màu mỡ của làng mình.

Đến làng mới hay, người Phja Bủng không tiếp khách bằng nước, mà đem thứ đặc trưng của quê hương ra tiếp, đó là rượu. Nói đến rượu thì chưa thấy nơi nào ngon hơn Phja Bủng. Rượu ngon thì tôi thừa nhận, nhưng không tin cho lắm khi vừa nhấp chén rượu đã nghe trưởng làng Phja Bủng Lương Văn Kiếm khẳng định: “Làng tôi xóa nghèo từ những năm sau thập niên 90, giờ thì nhà nào cũng có tiền gửi ngân hàng, bọn trẻ đã phổ cập hết lớp 12 từ nhiều năm trước,...”.

Có giàu không khi các làng bên cạnh mà cụ thể là làng Sam Kha cách đó 1km có hàng chục hộ gần năm trời rồi chưa được ăn cơm? Điểm qua thì thấy làng Phja Bủng có 12 hộ, nhìn thoáng qua nhà cửa ở đây đều là nhà sàn, trông rất bẩn và lạc hậu. Đơn cử như nhà trưởng làng, một đống ngô nơi xó bếp, một đống củi trong góc nhà, rồi nồi niêu xoong chảo, đồ đạc chen lẫn bồ hóng, lỉnh kỉnh, hỗn độn, ván sàn cũ kỹ, gập ghềnh, bấp bênh, trâu, lợn, dê đều nhốt dưới sàn. Còn con người thì khoác những bộ áo quần tả tơi, cũ kỹ, sờn mốc,... những điểm đó tạo cho tôi một cảm giác như đây vẫn còn là xứ nghèo, ăn ngô hàng ngày và thiếu nước sinh hoạt quanh năm chứ chẳng có gì để gọi là giàu có như trưởng thôn giới thiệu.

Chỉ tay vào chiếc ô tô mới toanh đứng ở đầu làng, trưởng làng Kiếm bảo: “Đây là xe của thằng Lý Văn Bông, nhà nó ở phía bên kia dòng Phja Bủng, ô tô không qua được suối nên toàn để bên này”. Nói rồi ông đưa tôi đến nhà Bông, đó là một ngôi nhà to đẹp, đầy đủ tiện nghi. Tay rót rượu, miệng cười khà khà, Bông bảo: “Ngoài mùa màng ra, không có việc gì làm nên ra ngân hàng rút tiền về mua ô tô. Mình có ô tô, nên mình không lười nữa”.

Tiếp tục minh chứng về sự giàu có của làng mình, trưởng làng đưa tôi đến từng nhà để “kiểm kê” tài sản. Ở đây toàn nhà sàn, cột nhà đều là những cây gỗ nghiến, có giá hàng chục triệu đồng/cây, rồi ván sàn, đòn tay, xà nhà đều là gỗ nghiến và các loại gỗ quý khác, thành thử một ngôi nhà sàn như vậy có giá trị tương đương với một ngôi nhà xây ba bốn tầng dưới xuôi. Chưa kể, nhà nào cũng có từ 5 con trâu trở lên. Tính đến thời điểm này mỗi con trâu đều có giá trên vài ba chục triệu đồng.

Như nhà anh Lương Văn Chính, vừa nói chuyện anh vừa cúi người xuống, lật tấm ván sàn nhà ra cho tôi xem đàn trâu 5 con đang nằm nhai cỏ bên dưới, còn gian bên cạnh là xe máy, máy cày, máy xát. Tôi đưa mắt quan sát thấy trong nhà, ti vi, tủ lạnh,... đều có cả. Có thể nói: Người dưới xuôi có thứ gì anh có thứ nấy. Mặt khác, anh còn có vài trăm triệu gửi ngân hàng chứ không phải là ít. Hoặc như nhà ông Long Văn Cáo có gần chục con trâu. Sau khi rót chén rượu mời khách, ông bắt đầu ngồi đếm, nào trâu, nào lợn, nào dê,... trước mắt trông thấy gần 200 triệu đồng. Còn tiền gửi ngân hàng chưa tính. Tôi hỏi: Ở đây người dân có phải ăn ngô không? Ông Cáo đáp: “Ngô à? chỉ để cho lợn ăn hoặc nấu rượu thôi, chứ người có gạo ăn rồi”.

Anh Lý Văn Bông bên chiếc ô tô của mình. 

Bí quyết làm giàu

Thấy ở Phja Bủng nhà nào cũng giàu có, tôi hỏi, thế trẻ con làng này có được đi học không? Đáp lại, vị trưởng làng quả quyết: “Dĩ nhiên là có chứ. Làng chúng tôi đã phổ cập giáo dục lớp 12 từ nhiều năm trước rồi”. 

Khi nghe lời đáp của trưởng làng, tôi đã cùng ông bước lên cầu thang nhà chị Nông Thị Kim. Nhà chị có con đi học đại học chuyên ngành kế toán rồi thoát ly khỏi làng. Gặp tôi, chị bảo: Biết là con đi học rồi không về làng nữa, nhưng vẫn cho nó đi, vì ở làng đúng là không thiếu gạo, nhưng ở lâu sẽ thiếu chữ, đi học còn có nghề nghiệp chứ ở làng nối nghiệp cha mẹ sao được.

Nói về truyền thống học tập của làng mình, trưởng làng tự hào: “Ở đây đi học xa lắm, trường học cấp 3 cách làng khoảng 30km, ấy thế trẻ con lớn lên không ai chịu bỏ học, chúng nó rất cần mẫn học tập, rèn luyện. Con cái của những hộ khác cũng vậy, có rất nhiều người thoát ly khỏi làng, họ đều có trình độ cao đẳng trở lên chứ không ai rời khỏi làng đi lao động phổ thông đâu”. Cái danh làng Phja Bủng chăm học, giàu có cũng bởi đó mà thành, như nhà trưởng làng, ông có 2 người con, một làm giáo viên, một làm ở ngân hàng.

Vậy là đủ minh chứng cho sự sung túc của làng, nhưng điều gì đã làm nên thành quả đó? Lúc này, trưởng làng mới chia sẻ bí quyết làm giàu: Làng này được thừa hưởng không khí lạnh, mùa hè nhiệt độ luôn ở 20 độ. Người Phja Bủng cũng biết xem thiên văn và ghi lại thành lịch. Trưởng làng Kiếm có lịch đó và ghi lại cho con cháu cùng người làng xem để biết ngày nào nắng, ngày nào mưa, ngày nào ra ruộng, ngày nào gieo hạt.

Chẳng biết từ thuở nào, người Phja Bủng đã biết be bờ làm ruộng, mỗi nhà cũng có hơn 2000m2 ruộng cấy. Sau khi cắt lúa, người ta mang cá vào thả, đến mùa lại tháo nước bắt cá, mỗi năm cũng bán được hàng tạ cá. Tôi hỏi trưởng làng: “ Ở đây biết thả cá từ bao giờ?”.  Ông đáp: “Chẳng biết có từ bao giờ, nhưng chưa bao giờ để ruộng bỏ trống, nếu không cấy lúa thì nuôi cá, mà đến mùa cá là người Trung Quốc sang mua nên cũng tiện lắm. Ngoài ra ở đây khí hậu ôn hòa cũng là điều kiện tốt để nuôi trâu, nuôi bò, mà nhà nào cũng có dăm bảy con trâu là minh chứng”.

Bên cạnh đó, làng này giàu lên là nhờ rượu, như đã nói, làng có bí quyết nấu rượu từ xa xưa. Theo trưởng làng, gạo ở đây không thiếu, nhà nào cũng thừa thóc để bán cho dân trong vùng. Còn nấu rượu, lò rượu của chúng tôi quanh năm không tắt lửa, nào rượu gạo, rượu ngô. Nấu rượu xong, chúng tôi gánh sang Trung Quốc bán hoặc người Trung Quốc sang làng mình mua.

Bí quyết làm giàu của người dân Phja Bủng là vậy, ngoài điều kiện tự nhiên, siêng năng, cần mẫn vẫn là yếu tố quyết định. So với những bản làng vùng biên viễn, Phja Bủng vượt trội hơn cả, nó không chỉ đẹp mà còn trù phú, con người không chỉ giàu mà sống cũng rất có tình.

 

“Bằng những nghề truyền thống như cấy lúa, nuôi cá, nấu rượu, người Phja Bủng đã thoát khỏi cảnh nghèo từ hàng chục năm nay, vào làng thì sẽ thấy hầu như không có thanh niên ở nhà, thanh niên làng này đi học hết và thoát ly hết rồi, chỉ còn lại người của lớp trước, họ quen với đồng ruộng nên ở nhà. Nói đến giàu có, quả đúng nhà nào cũng có tiền gửi ngân hàng, làng đạt chuẩn Quốc gia và là mẫu để các làng khác đến thăm quan và học tập” - Chủ tịch UBND xã Vị Quang cho biết. 

HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh