THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:27

Làng tranh Đông Hồ xưa và nay

Các công đoạn bôi màu cho tranh.

 

Thời vàng son 

Tranh Đông Hồ, tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, một dòng tranh dân gian Việt Nam. Người dân Đông Hồ sản xuất tranh bằng phương pháp thủ công từ việc làm giấy đến các bản khắc từ thế kỷ 16 và đến nay vẫn giữ được truyền thống này. Giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ 18 đến năm 1944 là thời cực thịnh của làng tranh, với 17 dòng họ đều tham gia làm tranh. Làng Đông Hồ có chợ tranh tấp nập dịp tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) với 5 phiên chợ vào các ngày 6, 11, 16, 21, 26. Trong mỗi phiên chợ có hàng nghìn, hàng triệu bức tranh các loại được mang ra bán cho lái buôn, hoặc bán lẻ cho các gia đình mua về làm tranh treo Tết để mang phú quý, vinh hoa cho nhà mình. Sau phiên chợ tranh cuối cùng (26/12 Âm lịch) những gia đình nào còn lại tranh đều bọc kín đem cất chờ đến mùa tranh năm sau mang ra chợ bán.

Tranh Đông Hồ không vẽ theo cảm hứng mà in theo các bản khắc gỗ. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp, người làm nghề nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn, (hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó.

Chổi lá thông tạo nên những đường gân chạy theo vết quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh Đông Hồ là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang)… Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu.

Để hoàn thành một sản phẩm, không kể khâu khắc tranh trên bản gỗ, có sẵn giấy và màu, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận từng giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quết điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi… Trước khi in, giấy được bồi điệp làm nền, chất điệp óng ánh tạo nên chất liệu riêng biệt của tranh dân gian Đông Hồ. Sau khi in thành tranh, kể cả lúc tranh khô, người xem vẫn cảm nhận được màu sắc của tranh thật tươi tắn như lúc tranh ướt. Các hình khối, mảng nọ đặt cạnh mảng kia có sự hài hòa tự nhiên.

Tranh Đông Hồ có đến 180 chủ đề, đề tài được phân thành 5 loại: Tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và tranh bộ theo tích truyện. Đề tài của tranh được lấy từ đời sống, sinh hoạt sản xuất của người nông dân hay xuất phát từ triết lý phồn thực nhưng bình dị và gần gũi với sinh hoạt đời thường. Nội dung của tranh có thể là những nhân vật trong truyền thuyết, những cảnh đẹp của đất nước, đến những bức tranh với mong muốn cuộc sống hạnh phúc, ấm no, mùa màng bội thu, chăn nuôi hiệu quả.

 

Pha bột màu.

 

Nỗi buồn của làng tranh 

Trong chiến tranh, làng tranh Đông Hồ cũng bị chiến tranh tàn phá. Người dân mải lo chạy giặc. Hàng vạn bản khắc gỗ làm tranh bị thiêu rụi. Để khôi phục làng tranh, năm 1967, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã cùng 50 thợ cả trong làng thành lập “Hợp tác xã sản xuất tranh”. Làng tranh dần được phục hồi và đã xuất khẩu đi nước ngoài. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, làng tranh suy tàn. Tranh làm ra nhưng không bán được, nên người dân không còn mặn mà, tâm huyết với nghề tranh nữa, họ chuyển sang làm hàng mã.

Đến Đông Hồ bây giờ không còn cảnh chợ tranh sầm uất, muôn màu giấy điệp phơi trên sào nứa ngoài sân đất, thay vào đó là sắc màu hàng mã rực rỡ. Làng Đông Hồ bây giờ toàn nhà cao cửa rộng, xe tải lớn nhỏ đậu quanh nhà, mái tôn quây kín từ tường lên nóc để tránh mưa, ướt đồ dùng cho người cõi âm như nhà cửa, quần áo,  ngựa, ti vi, tủ lạnh… đến các phương tiện giao thông hiện đại như xe máy, ô tô.

Chị Nguyễn Thị Hương, một trong những chủ hộ sản xuất vàng mã với số lượng lớn cho biết: “Trước đây gia đình cũng làm tranh Đông Hồ, tuy nhiên mấy chục năm lại đây tranh bán được rất ít, khách du lịch cũng thưa dần, nên lúc đầu chúng tôi kết hợp cả làm hàng mã theo nhu cầu thị trường, dần về sau khách đặt hàng mã nhiều hơn nên chúng tôi chuyển hẳn qua hàng mã. Kinh tế của làng cũng khá hơn”.

 

Tranh Đông Hồ có giá trị văn hóa, lịch sử.

 

Là nghệ nhân đời thứ 20 theo nghiệp tranh của gia đình, năm 2007 nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế thuê mảnh đất bên bờ sông Đuống để xây dựng Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống, đưa “xưởng tranh” trở thành điểm du lịch quen thuộc của nhiều đoàn khách tham quan trong và ngoài nước. Số bản khắc ông dày công sưu tầm, phục chế, sáng tác ngày một nhiều và phong phú thêm; đến nay gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã có hơn 1.000 bản khắc gỗ, trong đó 20 loại tranh mới vẽ, như: Bác Hồ với thiếu nhi, Bắt phi công Mỹ, Đào mương chống hạn... Tuy đã để người con trai lập phòng tranh ở Hà Nội, mở rộng thị trường tiêu thụ, song nghệ nhân Chế không khỏi lo lắng trước nguy cơ mai một của dòng tranh...

Hiện làng Đông Hồ chỉ còn hai nhà làm tranh, đó là gia đình cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế vẫn theo nghề truyền thống.

Là nữ nghệ nhân duy nhất của làng tranh Đông Hồ, bà Nguyễn Thị Oanh - con dâu của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam cho biết, dù bây giờ đến với chợ tranh Đông Hồ, người ta không còn được thấy cảnh tấp nập bán mua, cũng không còn cảnh người người, nhà nhà ưa chuộng tranh Đông Hồ như xưa. Nhưng trong ký ức của những người dân làng Đông Hồ dường như điều đó vẫn còn đọng lại trong tâm trí họ. Người già thì kể lại cho thế hệ con cháu nghe để biết, người trẻ thì hào hứng nghe bố mẹ, ông bà nói về thời xa xưa, để rồi tự nhận thấy bản thân cũng có phần trách nhiệm trong việc bảo tồn và gìn giữ nghề tranh.

Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã cố gắng bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ. Từ năm 2014, tỉnh đã phê duyệt đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030”; nhằm xác định hiện trạng và nguy cơ mai một; đồng thời nâng cao nhận thức, hành động của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ. Bên cạnh đó, Bắc Ninh khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh tour du lịch về Thuận Thành, tuyến chùa Dâu - chùa Bút Tháp - làng tranh Đông Hồ và hoạt động quảng bá tranh tới các trường học, thị trường quốc tế…

Tháng 3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề cương chi tiết xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và Bộ VH-TT& DL đã có văn bản đồng ý với đề xuất của tỉnh. Người Đông Hồ nói riêng và người yêu tranh Đông Hồ nói chung hy vọng và chờ đợi sự hồi sinh, tỏa sáng trở lại của một dòng tranh dân gian đặc sắc.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh