Làng nghề hơn 200 năm danh tiếng trước nguy cơ mai một
- Văn hóa - Giải trí
- 15:57 - 12/09/2018
Làng nghề hơn 200 năm danh tiếng
Đây là làng nghề đúc đồng theo phương pháp thủ công duy nhất còn sót lại ở TP.HCM, từng trãi qua giai đoạn rất phồn vinh, hưng thịnh. Theo tài liệu sách sử ghi chép, nghề đúc đồng xuất hiện ở Sài Gòn có trên 200 năm nay, sôi động nhất lúc bấy giờ là các lò đúc đồng ở Chợ Quán, Phú Lâm.
Các cao niên trong làng kể lại, trước năm 1975 là thời điểm làng nghề phát triển hưng thịnh nhất, lúc ấy cả làng có trên 60 hộ với hàng trăm nghệ nhân làm nghề. Lúc này, ở khu vực Chợ Lớn - Gia Định đã hình thành các sạp bán hàng thủ công với rất nhiều sản phẩm đúc đồng như nồi, niêu, xoong, chảo đến đồ thờ cúng, lư hương, chân đèn.
Ông Hai Thắng (nghệ nhân hơn 50 năm trong nghề) cho biết: “Đặc biệt là những ngày cận tết những năm 1975, thương lái khắp nơi đều đổ về đây đông như trẩy hội để nhập hàng đi phân pối các nơi, hàng không chỉ bán trong nước mà còn xuất xứ ra cả nước ngoài. Có nhiều đại gia thời đó còn đến tận lò từ trước tết để đặt hàng về chưng tết”.
Nghệ nhân giữ lửa nghề truyền thống đều ở cái tuôi “Xưa nay hiếm”
Theo dấu tích lịch sử, người đâu tiên mang nghề đúc đồng về truyền đạt cho làng là ông Trần Văn Kỉnh (ông tổ nghề). Lúc đầu những sản phẩm nghệ nhân Kỉnh làm ra chủ yếu là chảo đồng, tượng đồng, lư hương…
Về sau khi truyền nghề cho cả làng trẻ đến già, người dân chuyên tâm với nghề, cả làng người người, nhà nhà đều làm lư đồng, nên các nghệ nhân sáng tạo ra nhiều mẫu mã đẹp hút hồn du khách khi vừa nhìn thấy sản phẩm, từ đó tiếng tăm làng nghề vang xa trong và ngoài nước, trở thành một làng nghề truyền thống đặc trưng ở Sài Gòn – Gia Định đến bây giờ.
Nghề làm lư đồng thủ công hơn 200 năm, từng có thời kỳ rất hưng thịnh, nhưng hiện nay cả làng duy nhất chỉ còn 5 cơ sở giữ nghề.
Nghề “Cơm chan nước mắt”.
Là làng nghề nổi tiếng trong và ngoài nước một thời, nhưng ít ai biết đến để tạo ra được một sản phẩm hoàn chình phải trải qua rất nhiều công đoạn khó khăn, nếu một trong những công đoạn bị lỗi thì sản phẩm đó không thể bán ra thị trường.
Công đoạn đầu tiên là làm khuôn ruột bằng đất sét tốt, không lẫn cát. Loại đất đáp ứng yêu cầu này thường được đặt mua từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, đem cán nhuyễn, sàng lọc thành bột trộn với tro trấu giã nhuyễn.
Tiếp đến là công đoạn đúc khuôn sáp bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy (một công đoạn đòi hỏi người có tay nghề cao) bởi khuôn sáp tạo dáng thế nào thì bộ lư đồng sau khi nung sẽ có hình dạng như thế ấy. Công đoạn thứ ba là bao bọc 2 lớp đất sét giã nhuyễn bên ngoài khuôn sáp, loại đất này nhất thiết phải được rây thật mịn để sản phẩm sau khi đúc không bị rỗ mặt.
Nghệ nhân Trần Thanh (44 tuổi, 30 năm trong nghề) đang tỉ mỉ từng chút một để thổi hồn vào hình chạm trên lư đồng.
Sau khi phơi khô khuôn (thường phải mất từ 7 đến 10 ngày), người ta cho đổ đồng đã nóng chảy vào (đồng chỉ được nấu vào ban đêm). Riêng khâu này đòi hỏi thợ giỏi, nhiều kinh nghiệm vì phải canh thời gian rất kỹ, phối hợp ăn ý giữa thợ móc khuôn từ hầm nung và thợ múc đồng từ chảo đổ vào khuôn. Sau đó là đập bỏ khuôn đất để chuyển sang khâu làm nguội, đến công đoạn mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng lư đồng. Mỗi sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp hay không là phụ thuộc vào sự tỉ mỉ khéo léo của các nghệ nhân khi thổi hồn mình vào từng công đoạn tạo ra sản phẩm.
Nghề làm đồng thủ công nên suốt ngày các nghệ nhân vừa cực, vừa nóng lại phải ngồi suốt ngày từ sáng đến tối loay hoay với đống đất, đồng. Vừa bụi bẩn, vừa chảy mồ hôi nước mắt nhưng thu nhập lại không được bao nhiêu.
Những sản phẩm hoàn chỉnh ra lò sau khi trải qua nhiều công đoạn trau chuốt của các nghệ nhân.
Trước nguy cơ bị thất truyền.
Khoảng hơn 10 năm trở lại đây từ làng nghề đông đúc nhộn nhịp với hàng trăm nghệ nhân, công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm, nay An Hội chỉ còn 5 hộ gia đình gắn bó với nghề lư đồng truyền thống gồm các lò Hai Thắng, Năm Toàn, Sáu Bảnh, Ba Cồ và Út Kiển.
Không khí nhộn nhịp, hào hứng như thời hoàng kim, lửa lò làng đúc đồng An Hội hiện nay đang trên đường lụi tàn và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Cơn bão thị trường lướt qua, đất đai thu hẹp, giá đồng cao, hàng hóa không bán được…đa số người dân đã bỏ nghề để kiếm kế sinh nhai.
Còn rất ít nghệ nhân tâm huyết vẫn giữ lửa và quyết tâm duy trì nghề truyền thống cha ông để lại. Nghệ nhân Trần Thanh (44 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Nghề làm đồng lắm vất vả, gian nan, thu nhập lại bấp bênh, khó đảm bảo cuộc sống nên một số hộ đã bỏ nghề. Giới trẻ ngày nay chẳng có ý định theo nghề này, vừa cực, vừa nóng lại phải ngồi suốt từ sáng đến tối với đất, với đồng. Tôi rất sợ những bí kíp, kinh nghiệm luyện đồng mà ông bà để lại không ai tiếp nhận sẽ bị thất truyền”.
Làng nghề hình thành và duy trì hơn 200 năm qua
Đa phần nghệ nhân của làng đúc đồng An Hội đều rơi vào “tuổi xưa nay hiếm”, thợ có tay nghề lại đếm trên đầu ngón tay. Lớp thanh niên phần lớn đều không mặn mà với nghề "cha truyền con nối", hầu hết họ đều muốn tìm một nghề khác hiện đại hơn, đỡ vất vả hơn.
Theo các nghệ nhân đúc đồng, nghề làm lư đồng khá vất vả bởi phải qua nhiều công đoạn, tất cả lại được làm thủ công nên đòi hỏi người thợ không những phải có kỹ thuật cao mà còn phải kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ.
Làng nghề truyền thống không chỉ đơn thuần mang lại công ăn việc làm cho nguời dân địa phương, mà đó còn là một nét đẹp văn hóa, là “hồn cốt” của người dân xứ sở.
Nét văn hóa ấy cần được chính quyền địa phương quan tâm, có các chính sách hỗ trợ thiết thực để làng nghề có thể tiếp tục tồn tại, phát triển…
Liên quan đến vấn đề làng nghề truyền thống đang mai một, đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, Sở VH – TT – DL TP.HCM cho biết, Sở đã có phương án và kế hoạc để bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, làng nghề đúc đồng An Hội là một trong những danh sách đang cần được bảo tôn và phát huy nét văn há đặc trưng xưa của người dân TP.HCM.