Tôn vinh nghệ nhân và làng nghề Việt
- Văn hóa - Giải trí
- 22:38 - 18/01/2019
Nhiều điểm nhấn ấn tượng
Tại Festival nghề truyền thống Huế 2019, nhằm tạo dấu ấn cho du khách và người dân Huế, Ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2019 đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nội dung kịch bản chương trình, cách bố trí các không gian cũng như giới thiệu một số làng nghề, cơ sở sản xuất có những sản phẩm độc đáo lần đầu tham gia trưng bày, giới thiệu, mua bán tại Festival lần này như các sản phẩm từ sen: dệt tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận (Hà Nội), rượu sen, trà sen, tranh sen, nón lá sen, tranh sen, khăn sen, quạt sen....của các nghệ nhân Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp. Bên cạnh giới thiệu sản phẩm độc đáo của các nghề, làng nghề truyền thống, ngành y học cổ truyền vốn là đặc trưng của Huế vì vậy tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 sẽ có hình thức tổ chức cho các thầy thuốc đông y khám chữa bệnh và phô diễn tài năng. Đặc biệt nghề may áo dài là một nghề truyền thống lâu đời của Huế và một số tỉnh thành trong cả nước hiện đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây cũng sẽ được giới thiệu tại Festival nghề lần này, trong đó sẽ có dịch vụ may áo dài nhanh.
Cách bố trí không gian giới thiệu nghề truyền thống tại Festival năm nay cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Ban tổ chức đã bố trí, sắp đặt nhiều không gian với hình thức trang trí đẹp, mang tính nghệ thuật như: Không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề, không gian sen, không gian lụa và thổ cẩm, không gian áo dài, không gian nghề đông y, không gian lồng đèn, diều, không gian giới thiệu sản phẩm truyền thống của các thành phố quốc tế...Mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn bố trí một không gian đi bộ và cảnh quan với đường đi bộ trên sông Hương, hệ thống đường đi bộ bờ Nam sông Hương kết nối với bờ Bắc sông Hương cùng phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu....Tất cả tạo thành một không gian nên thơ trải dài dọc bờ sông Hương với nhiều hoạt động hấp dẫn trong ngày hội Festival.
Một điều ấn tượng tại Festival lần này là không khí chuẩn bị của các làng nghề, cơ sở sản xuất nghề trong việc tạo ra nhiều sản phẩm mới, mẫu mã bao bì mới phục vụ du khách vì vậy rõ ràng tính thương mại tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 sẽ cao hơn những kỳ Festival nghề trước đây. Đặc biệt, một số doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở nghề trong tỉnh đã tìm được hướng đi cho nghề truyền thống và đã ứng dụng có hiệu quả nghề thủ công truyền thống tạo ra những sản phẩm mới trong đời sống đương đại như sử dụng kỹ thuật chạm khắc gỗ nghệ thuật và sử dụng kỹ thuật sơn mài truyền thống vào ngành sản xuất giày dép thời trang... Bên cạnh đó, tính tương tác với cộng đồng cũng là điểm nhấn thú vị, hứa hẹn để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng và du khách.
300 nghệ nhân và thợ thủ công tham gia Festival
BTC Festival cho biết, sẽ có 50 làng nghề, cơ sở nghề với 300 nghệ nhân và thợ thủ công trong cả nước sẽ trưng bày, thao diễn và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tại Festival. Đây là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, nhằm tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủ công truyền thống, đồng thời tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Cách thành phố Huế 15km về phía Bắc, đoạn trung lưu bờ Bắc con sông Bồ, làng Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền là một làng nghề đan lát truyền thống nổi tiếng. Làng nghề được hình thành từ xa xưa và đến thời chúa Nguyễn đã thành lập thêm một làng Bao La mới, nay thuộc thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền cạnh bờ Nam phá Tam Giang. Cả hai làng này đều có chung một nghề thủ công là đan lát. Chính nhờ những bàn tay khéo léo, sáng tạo chế tác ra những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt, sản phẩm của làng nghề đan lát Bao La ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh những sản phẩm với các loại vật dụng gần gũi trong gia đình như thúng mủng, rổ rá, giần sàng, nong, nia, lồng bàn… để chuẩn bị cho Festival nghề truyền thống Huế 2019, làng nghề đan lát Bao La đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thủ công chất lượng cao như như mô hình cầu ngói Thanh Toàn, tháp Linh Mụ, cầu Trường Tiền, các loại đèn treo trang trí… rất tinh tế, thẩm mỹ.
Nghệ nhân Trần Duy Mong - người con của làng nghề kim hoàn Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ông gắn bó với nghề kim hoàn từ năm mười lăm tuổi, đến nay dù đã bước qua cái tuổi lục tuần nhưng niềm đam mê với nghề vẫn cháy bỏng. Chuẩn bị cho Festival Nghề truyền thống Huế 2019, nghệ nhân Trần Duy Mong đã tìm tòi, sáng tạo và chế tác ra những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt trưng bày nhằm giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế những nét tinh túy của nghề kim hoàn xứ Huế với nhiều mẫu mã phong phú như: Dĩa phong cảnh Thiên Mụ, Dĩa phong cảnh Đại Nội, Mặt dây chuyền chữ Phước, Bộ kiềng đeo cổ Hoa Sen, Bộ kiềng đeo cổ Long Phụng Song Hỷ, Khung tranh 3D Logo Huế… với mong muốn góp một phần vào thành công của Festival Nghề truyền thống Huế 2019 sắp đến.