CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 06:07

Làng thổ cẩm nổi tiếng của người Mạ dưới chân núi thiêng

Từ ngàn xưa, thổ cẩm là hiện vật, bản sắc văn hóa không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, người mạ nói riêng đàn ông làm thuyền độc mộc, nghề rèn rất giỏi, còn phụ nữ Mạ dệt thổ cẩm đẹp nổi tiếng khắp vùng. Trang phục truyền thống đàn ông mặc khố, áo chui đầu, còn phụ nữ mặc áo, váy dài dệt bằng thổ cẩm. Trong những lễ hội, ngày cưới, tết… Trên từng tấm vải thổ cẩm đều thể hiện nét đặc trưng riêng qua từng họa tiết, mang đậm bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc vùng miền.

Làng thổ cẩm nổi tiếng của người Mạ dưới chân núi thiêng - Ảnh 1.

Các nghệ nhân ngồi dệt thổ cẩm bên khung cửi của mình

Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm ở Tây Nguyên đã có một số biến đổi để phù hợp với yêu cầu của cuộc sống mới, nhưng dù thế nào thì người phụ nữ Mạ vẫn luôn tự hào về nghề truyền thống của mình…những sắc màu cuộc sống ấy từ thế hệ này sang thế hệ khác, những bà mẹ đã truyền dạy cho cháu con và cứ thế, nối tiếp theo thời gian vẫn được các bà, các mẹ và các phụ nữ trẻ miệt mài tạo ra bên khung dệt, thổi hồn cho sắc màu thổ cẩm. Hoạt động này không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống mà còn giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào trong những lúc nông nhàn.

Tương truyền vùng đồi Khỉ cạnh bên dòng Ðạ Ðờng (sông Ðồng Nai) ngày xưa vốn là nơi ở của các thần linh. Già K'Dinh cho biết dưới chân núi Lu Mu có 5 buôn cổ của người Mạ gồm buôn B'Lao Kon Chao, buôn Kon Trộ, buôn Ke B Làng, B'Lao Kon Ner , buôn B'Lao Đạ Mrẻh những buôn này đã có từ ngàn xưa để thờ cúng "núi Chúa" tại chân Trường Sơn Nam, thuộc địạ bàn xã Ðạ M'ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.

Chị Ðinh Thị Nga nhà dân tộc học cho biết, trong số các hiện vật tìm thấy tại Cát Tiên, có cả những hiện vật về các nữ thần nghề dệt. Trong dân gian thì có thành ngữ, tạm dịch là "Người Mạ dệt nổi tiếng thế giới dân tộc". Theo chị, hai mươi mấy năm trước, khi đi điền dã ở vùng này, từng chứng kiến nhiều người ở các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên dùng thuyền độc mộc xuôi theo dòng sông Sêrêpok, Krông nô, Krông Ana… đến đây để mua khi thì tấm đắp, lúc lại cái váy, cái khố bởi thổ cẩm của người Mạ rất nổi tiếng.

Người lớn tuổi nhất trong nhóm nghệ nhân, bà Điểu K'Nam miệt mài luồn từng sợi tơ để dệt nên tấm thổ cẩm. Qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ này, những sợi bông vải đã được kết nối, hóa thân thành một bức tranh đa sắc màu, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Mạ. Theo bà Điểu K'Nam đối với đồng bào dân tộc Mạ, thổ cẩm có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Ngày xưa, thổ cẩm được tạo ra không chỉ phục vụ nhu cầu trong gia đình, mà còn là tài sản để trao đổi hàng hóa và cũng là của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Do đó, tất cả phụ nữ Mạ đều biết dệt thổ cẩm.

Trong khi các dân tộc khác ở Tây Nguyên thường chọn những gam tối như xanh, đen để làm nền cho thổ cẩm thì người Mạ chọn màu trắng, nhờ vậy mà các họa tiết hoa văn của người Mạ khá nổi bật và tươi sáng. Ðể tạo hoa văn trên thổ cẩm, ngoài việc dùng những thanh công cụ nhỏ đẩy luồn sợi khi dệt, phụ nữ Mạ còn khéo léo dùng tay luồn sợi thêu trên tấm vải mà không cần sử dụng kim thêu khiến cho đường nét, họa tiết hoa văn của thổ cẩm rất sinh động. Bên cạnh kỹ thuật điêu luyện, sự phong phú, đa dạng về màu sắc và đề tài trang trí cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp độc đáo và sắc thái riêng cho thổ cẩm Mạ, mỗi sản phẩm là một tác phẩm độc đáo, có một không hai.

Làng thổ cẩm nổi tiếng của người Mạ dưới chân núi thiêng - Ảnh 2.

Hai chị em Điểu K’Loi dệt tấm vải thổ cẩm tiết hoa văn nổi bật và tươi sáng

Chị Điểu K'Loi chia sẻ, người Mạ dệt vải bằng bông. Họ phải cán, tách bông ra rồi mang bông kéo thành sợi bằng một guồng tre rồi nhuộm màu tự nhiên, được chiết xuất từ vỏ và lá cây rừng. Sau đó tiến hành các khâu ngâm, phơi sợi… Một tấm đắp phải dệt hàng tháng trời mới xong, cái khố, chiếc áo cũng phải mất vài tuần, nên giá thành của thổ cẩm cao từ vài trăm đến hàng triệu đồng, không cạnh tranh nổi với các sản phẩm công nghiệp. Nhiều người bỏ nghề dệt, chuyển sang làm việc khác.

Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng khảo sát, ban đầu hỗ trợ 100 triệu đồng để lập một hợp tác xã nghề dệt với 16 nghệ nhân. Chị Ðinh Thị Nga kết nối Nhà thiết kế Minh Hạnh và một số doanh nghiệp đến thăm buôn cổ, xem các nghệ nhân dệt thổ cẩm, ngỡ ngàng vì thổ cẩm quá đẹp, mẫu mã phong phú. Nhà Thiết kế Minh Hạnh đưa thổ cẩm Mạ, K'Ho lên sàn diễn thời trang; mặt khác kết nối các doanh nghiệp sản xuất tơ tằm với buôn làng người Mạ để làm hàng từ tơ tằm cao cấp.

Nhà dân tộc học Ðinh Thị Nga cho biết, công ty Vân Nguyễn (huyện Lâm Hà, Lâm Ðồng) đã tổ chức cho các nhóm phụ nữ người Mạ, K'Ho dệt thổ cẩm, sau đó, thêu, vẽ… lên thổ cẩm để tạo ra như đồng hồ, tranh thêu, tranh vẽ. Vân Nguyễn tiếp cận được với khách hàng quốc tế, như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha…Việc hồi sinh làng dệt thổ cẩm trù phú dưới chân "núi Chúa" sẽ biến nơi đây một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Du khách vừa có thể khám phá "núi chúa", tham quan làng nghề và mua được sản phẩm thổ cẩm đặc sắc.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh