THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:48

Lạm dụng trẻ em trên sóng truyền hình: Nên hay không?

 

“Già hóa”, “dị hóa” trẻ em

Khán giả hẳn chưa quên cậu bé “Thị Mầu” Đức Vĩnh với tài năng ca hát và hóa thân vào các nhân vật trong nghệ thuật tuồng, chèo, hát văn…ở chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”.  Em nhập vai rất ngọt các nhân vật như  “Cô đôi thượng ngàn”, rồi “Xúy Vân giả dại” dù chưa hẳn một đứa trẻ như em đã hiểu những nhân vật đó. Hay trong chương trình  “Giọng hát Việt nhí”, những gương mặt như Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân, Mai Chí Công, Quang Anh... sớm được đánh giá là có tài năng. Các em không chỉ biểu diễn những hát các ca khúc quê hương, nhạc cách mạng, nhạc dân gian mà còn cả những tình khúc khi ướt át khi bốc lửa với phần vũ đạo cũng không kém khiêu khích. Giọng hát của các em hay, truyền cảm và ngọt ngào, nhưng quá già dặn, chững chạc, không còn chút nào sự nhí nhảnh đáng yêu như độ tuổi...

Để đáp ứng được mục tiêu của những nhà sản xuất là có được chương trình “độc”, “lạ” và thu hút lượng người xem lớn, những đứa trẻ tham gia chương trình đã phải “gồng mình”  để hát, để diễn như người lớn. Sự yêu thích nghệ thuật và tài năng của các bé đang được lợi dụng tối đa. Đã có những tranh cãi về hiện tượng sao nhí trên truyền hình.  Người thì cho rằng, để biểu diễn được như người lớn thì bọn trẻ phải rất giỏi, nhưng không ít ý kiến phản biện cho đó là sự phát triển lệch lạc của các tài năng khi không có sự định hướng theo đúng lứa tuổi. Nếu như cậu bé Đức Vĩnh chỉ hát nhạc dân gian truyền thống thì khó lòng đi tiếp, bé phải được tư vấn những màn “độc” hơn bất chấp việc sau này bé có thể bị phát triển lệch lạc về thẩm mỹ âm nhạc. Chỉ cần chương trình thành công, khán giả chú ý chứ sau khi tàn cuộc chơi “ai lại về nhà nấy”, còn  ai đóng vai trò là nhà tư vấn hay nhà định hướng âm nhạc cho các bé?

Chương trình truyền hình thực tế "Bố ơi mình đi đâu thế" phiên bản Hoa ngữ bị dừng phát sóng.

Khi sân chơi của trẻ nhỏ bị ám ảnh bởi giải thưởng và danh tiếng thì các em khó tránh khỏi bị đánh mất tuổi thơ. Khán giả của Vietnam’s Got Talent mùa 2012 vẫn chưa quên câu chuyện mẹ của thí sinh Quỳnh Anh phản đối ban giám khảo. Bà cho rằng con mình có tài năng hơn nhiều người nhưng lại bị loại. Vụ việc kéo theo nhiều ồn ào khác trong dư luận và hậu quả là cô bé Quỳnh Anh phải gánh chịu khi sau đó trên mạng xã hội, bé cũng bị gắn cho nhiều tên gọi như “nữ thần chém gió”, “quăng bom”, “thảm họa”... Sau “The Voice Kids”, Á quân Phương Mỹ Chi cùng gia đình cũng dính phải không ít tai tiếng như  bị đồn hét giá cát-xê, chảnh, bỏ bê việc học...

Vì trẻ em hay lạm dụng trẻ em để kiếm tiền?

Phải thừa nhận, sự xuất hiện của các trò chơi truyền hình có nhân vật chính là trẻ em đã thổi luồng gió mới vào các show thực tế vốn đang đứng trước nguy cơ bị bão hòa về độ hút khán giả. Các chương trình dành cho trẻ em luôn có một lợi thế lớn về quảng cáo, các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng phục vụ đối tượng này bao giờ cũng sẵn sàng ký hợp đồng quảng cáo vì một mũi tên trúng 2 mục tiêu  khách hàng:  Trẻ em và phụ huynh. Vì thế, các nhà sản xuất chương trình đã rất tự tin khi bỏ ra một số tiền lớn mua bản quyền những chương trình gameshow hay truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng trẻ em. Bởi số tiền quảng cáo cùng với nguồn thu từ nhắn tin bình chọn của khán giả là món lợi khổng lồ.

Tất nhiên, không thể phủ nhận có những chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ em mang tính giáo dục cao. Bên cạnh các chương trình bổ sung về kiến thức phục vụ học tập như “chinh phục”  hay “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5” thì các tình huống của chương trình “Con đã lớn khôn”, “Nhanh nào bé yêu”, “Ước mơ của em”, “Hành trình xanh”, “Cố lên con nhé”... giúp các em thể thiện sự khéo léo, rèn luyện sự tự tin và đặc biệt là giáo dục về những kỹ năng sống cần thiết, giúp các em tự lập và vững vàng hơn trong cuộc sống hàng ngày. Những người thực hiện đặt mình vào tâm trạng trẻ em, quan sát sự phát triển trong từng độ tuổi để đưa ra một    format phù hợp, không có sự áp đặt của người lớn. Sự kết hợp hài hòa giữa tính giáo dục nhẹ nhàng và tính giải trí lành mạnh giúp cho những chương trình này thu hút được rất đông người xem.

Tuy nhiên, không ít những chương trình dành cho trẻ em đang nở rộ như nấm sau mưa chỉ mang  tính chất giải trí thuần túy. Việc phát triển ồ ạt các chương trình truyền hình thực tế chủ yếu thi thố, tìm kiếm tài năng nhí đang có dấu hiệu nhàm chán, lặp lại giống như các cuộc thi dành cho người lớn. Đặc biệt, tính hồn nhiên, vô tư đã giảm nhiều khi tâm lý thắng - thua trở thành mục tiêu của thí sinh cũng như phụ huynh khi đăng ký tham gia.

Làm thế nào để lấy lại sự cân bằng cho các sân chơi dành cho trẻ em trên truyền hình?  Đó là câu hỏi mà xã hội đang chờ lời giải đáp từ các nhà đài cũng như những nhà quản lý văn hóa.

NGUYỆT HÀ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh