Lâm Đồng: Triển khai nhiều hoạt động về bình đẳng giới
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 20:28 - 16/09/2015
Sau 7 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, công tác bình đẳng giới ở Lâm Đồng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng đã triển khai kịp thời các văn bản của Bộ LĐ- TB&XH, UBND tỉnh về công tác bình đẳng giới (BĐG). Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới phù hợp với thực tế ở địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BĐG đã được các cấp, các ngành, các đơn vị trong tỉnh chủ động tích cực, phối hợp triển khai thông qua các lớp tập huấn, liên hoan, hội thi... Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, đặc biệt là bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị , việc làm thông qua các hình thức phù hợp với từng ngành, địa phương và đặc thù từng nhóm đối tượng. Nhờ vậy đã góp phần nâng cao nhận thực của người dân, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do việc lựa chọn giới tính thai nhi... Cùng với đó, tỉnh Lâm Đồng còn làm tốt việc lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong các hoạt động chuyên môn của đơn vị, địa phương; tuyên truyền giới thiệu về các mô hình, dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới tại địa phương, cơ sở. Tỉnh tập trung tuyên truyền vào nhóm đối tượng trẻ như học sinh, sinh viên, thanh niên, cộng tác viên, tuyên truyền viên, báo cáo viên, các cấp lãnh đạo, cán bộ trực tiếp làm công tác bình đẳng giới. Nhờ vậy, hiện nay ở Lâm Đồng, BĐG đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm.
Lao động nữ ngày càng có vai trò cao ở Lâm Đồng
Trong ngành giáo dục của tỉnh, vấn đề bình đẳng giới càng có ý nghĩa sâu sắc vì giáo dục là ngành mà lao động nữ chiếm trên 77,1% tổng số lao động toàn ngành. Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, công tác nữ trong ngành Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tiếp tục được quan tâm, chăm lo. Đội ngũ cán bộ nữ trong ngành giáo dục đã vươn lên khẳng định vị thế của mình và dành nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay toàn ngành có 23.412 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đó nữ là 18.049, tỷ lệ 77,1%. Có 15764 nhà giáo trực tiếp giảng dạy, trong đó nữ 11.987 chiếm tỷ lệ 76,04%. Tổng số cán bộ quản lý toàn ngành là 1.560; nữ 1.017, tỷ lệ 65,2%. Tổng số đảng viên 6.678, nữ 4.681, tỷ lệ 70,1%. Số nữ nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giaó ưu tú là 1.4/17. Tổng số nữ đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” các cấp là 2.304, tỷ lệ 15%. Tổng số nữ đạt danh hiệu “Giỏi việc trường-đảm việc nhà” cấp cơ sở, cấp tỉnh và tương đương là 12.290, tỷ lệ 80.6%. Ngành giáo dục đưa công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ vào chiến lược quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lí của ngành. Nhờ quy hoạch mà ngành đã chủ động chuẩn bị trước được nguồn lực cán bộ quản lí, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lí nữ kế cận có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Trong 5 năm gần đây, toàn ngành đã đề bạt, bổ nhiệm 568 CBQL nữ nâng tổng số CBQL nữ toàn ngành 1.017 người.
Xác định rõ bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ là chủ trương lớn của Đảng và là một trong những chính sách xã hội quan trọng nên tỉnh đã đặc biệt quan tâm và cùng thống nhất hành động, nhằm đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương đó, ngay từ đầu năm 2015, Sở LĐ- TB&XH Lâm Đồng đã tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, đề xuất giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của UBND và Bộ LĐ-TB&XH. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động Bình đẳng giới năm 2015; triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2015 tại các huyện, thành phố. Phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và các Sở, ngành liên quan tiếp tục duy trì thực hiện chuyên mục tuyên truyền: Vì chất lượng cuộc sống; duy trì các hoạt động thực hiện thí điểm mô hình phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới tại xã Phước Cát 1 huyện Cát Tiên. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã được củng cố kiện toàn để đảm bảo đủ năng lực, điều kiện hoạt động tốt. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức được nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, các chính sách liên quan đến BĐG cho cán bộ nữ, cán bộ trong diện quy hoạch và người dân. Đặc biệt, thông qua việc tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ đã góp phần kéo giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường tiếp cận phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số...
Thời gian tới Lâm Đồng tập trung vào việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thực về BĐG, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình trên cơ sở giới. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động BĐG trên địa bàn tỉnh. Duy trì, phát triển và nhân rộng mô hình thúc đẩy BĐG. Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Cùng với đó là xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thanh tra về bình đẳng giới nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới ở địa phương, cơ sở.