Làm chủ về lao động và việc làm để hội nhập bền vững
- Tây Y
- 05:46 - 15/01/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta cần làm chủ về lao động, làm chủ về việc làm và nâng cao trình độ tay nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập cao là rất quan trọng. Phát triển thị trường lao động phải an toàn, hiện đại, linh hoạt trong hội nhập và bền vững”.
Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục làm tốt và lan tỏa tinh thần, trách nhiệm nhân ái cao cả; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy tiến bộ công bằng xã hội và an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ngành LĐ-TB&XH phải thực hiện nghiêm túc, thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nghị quyết của các cấp ủy đảng.
“Đối tượng quản lý thì nhiều, phạm vi thì rộng, tính chất thì phức tạp, nhạy cảm, nên Bộ LĐ-TB&XH phải nắm bắt sát tình hình thực tế và phản ứng nhanh, hiệu quả các chính sách đề ra.
Ngành LĐ-TB&XH đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, hiệu quả, hội nhập bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ LĐ-TB&XH cần coi trọng và đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu, công tác chiến lược và xây dựng các quy hoạch ngành, tổ chức thực hiện hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
TP. Hồ Chí Minh: Giải quyết việc làm cho 315.612 lượt người
Tại các điểm cầu, các địa phương cũng phát biểu, nêu rõ các kết quả đạt được về an sinh xã hội, lao động việc làm của địa phương mình trong năm qua. Tại điểm cầu TP. HCM, lãnh đạo UBND thành phố cho biết, năm 2022, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh có 60/61 chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra (chiếm 98,36% kế hoạch năm).
Trong đó, nổi bật là việc thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt vượt kế hoạch như: giải quyết việc làm cho 315.612 lượt người (đạt 105,3% kế hoạch năm) (trong đó: số chỗ việc làm mới là 141.312 lao động (đạt 100,9% kế hoạch năm)).
Số lao động đang làm việc đã qua đào tạo thực hiện là 161.676 người lao động được cấp chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận (đạt 138,38% kế hoạch năm) nâng tổng số lao động đã qua đào tạo tương đương 4.327.336/4.931.593 người, đạt tỉ lệ 87,74%/86,05% (vượt 1,69% kế hoạch năm).
Trong năm, Thành phố đã thực hiện giảm 16.154 hộ nghèo (tỷ lệ kéo giảm là 0,64% - đạt 184,24% kế hoạch năm) và giảm 9.723 hộ cận nghèo (tỷ lệ kéo giảm là 0,38% - đạt 188,07% kế hoạch năm), kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4% (đạt 3,97%).
Riêng về lĩnh vực lao động, việc làm, năm 2022, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu đơn hàng đã xảy ra dẫn đến nhiều doanh nghiệp lớn sử dụng đông lao động phải cắt giảm lao động trong thời gian cận Tết Nguyên đán.
Nhằm phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, lãnh đạo UBND thành phố cho biết địa phương đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2023, như: Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Triển khai các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, kết nối thông tin cung - cầu lao động để giải quyết việc làm cho người lao động và giải quyết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động của các sàn giao dịch việc làm.
Đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người có công và thân nhân; chế độ cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định.Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm,.. nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp xã hội. Thực hiện chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em, qua đó thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em.
Triển khai thực hiện các quy định mới về công tác cai nghiện ma túy; Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030, gắn với triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 hướng tới xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh trong thời gian tới.
Đà Nẵng muốn cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp
Từ đầu cầu Đà Nẵng, lãnh đạo UBND thành phố cho biết địa phương đã thực hiện tốt các chính sách, hướng dẫn của Trung ương. Kết quả, Đà Nẵng đã về đích ở vị trí thứ 3 về tốc độ tăng trưởng GRDP, là một trong những tỉnh sớm phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, về lĩnh vực việc làm, trong năm 2022, thành phố tổ chức được hơn 50 phiên giao dịch việc làm, kết quả kết nối việc làm cho hàng nghìn lao động.
Thành phố cũng triển khai dự báo thường xuyên về nhu cầu nguồn nhân lực, cung cầu lao động để có quyết sách kịp thời.
Với việc triển khai đồng bộ các chính sách về việc làm, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 2,25%, thấp hơn rất nhiều so với con số hơn 8% của năm 2021.
Chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ học nghề cũng được Đà Nẵng chú trọng, kết quả đã tuyển sinh được cho hơn 450 lao động thuộc diện này.
Năm 2023, nhận định chung là dịch bệnh đã được kiểm soát, Đà Nẵng sẽ tập trung khai thông các nguồn lực, phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho người lao động. yêu cầu đặt ra là cần có cách làm mới, cách tiếp cận mới.
Đà Nẵng sẽ thực hiện nghiêm túc đề án về nguồn nhân lực cho khu vực tư. Bà Kim Yến kiến nghị, để thực hiện chủ đề khơi thông nguồn lực, Đà Nẵng mong được Chính phủ tăng cường xúc tiến đầu tư tới thành phố; sớm được hướng dẫn về sử dụng nguồn lực công cho việc giáo dục nghề nghiệp, sớm có bộ tiêu chí ngành nghề tiêu chuẩn quốc gia cho tất cả các nghề…
Đà Nẵng cũng muốn thực hiện cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhưng một số thông tư hướng dẫn có trước năm 2018 đang gây vướng mắc cần tháo gỡ để doanh nghiệp có thể chủ động hơn với việc này.
Hà Nội: 16/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo
Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung nhưng với tinh thần quyết tâm, quyết liệt cùng nhiều giải pháp, biện pháp linh hoạt, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kinh tế phục hồi phát triển nhanh, tăng trưởng đạt gần 9%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán, đạt hơn 330 nghìn tỷ đồng.
Cùng với tập trung các nhiệm vụ phát triển kinh tế, thành phố cũng tập trung đảm bảo an sinh xã hội với quan điểm chăm lo an sinh xã hội tương xứng và đồng bộ với tăng trưởng kinh tế. Công tác an sinh xã hội nói chung, công tác lao động, người có công và xã hội nói riêng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Những tháng cuối năm, tình hình lao động, việc làm có biến động suy giảm, TP Hà Nội đã tạo việc làm mới cho hơn 200 nghìn người lao động. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,1% với 16/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo. Hầu hết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng, năm 2023, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn; thực hiện tốt mọi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi lời cảm ơn trân trọng tới Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành đã hỗ trợ tối đa để Bộ LĐ-TB&XH đạt được kết quả như đã khẳng định.
Chia sẻ về phạm vi công việc rộng lớn với 14 lĩnh vực phải quản lý, Bộ trưởng cho biết, năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ dành nhiều thời gian mà còn trực tiếp chỉ đạo nhiều lĩnh vực, việc thực hiện các chính sách, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động để cùng ngành vượt qua thời điểm khó khăn.
Bộ trưởng khẳng định, nghiêm túc tiếp thu 5 quan điểm, 11 nhiệm vụ mà Thủ tướng đã chỉ đạo tại hội nghị để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2023.