Năm 2022, kỷ lục đưa 142.779 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
- Tây Y
- 08:49 - 14/01/2023
Đây là những nét chính, tổng quan trong nhiều cố gắng, nỗ lực của ngành trong năm qua, được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của ngành diễn ra sáng nay 14/1/2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và trực tiếp chỉ đạo hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, các Thứ trưởng: Nguyễn Bá Hoan, Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh, Nguyễn Văn Hồi; lãnh đạo các Bộ, ngành… và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trên cả nước.
Hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, chính phủ giao
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, cùng với cả nước, Ngành Lao động, người có công và xã hội vừa trải qua năm 2022 với những thách thức, khó khăn rất lớn của thời kỳ hậu COVID-19 cùng với những biến động nhanh, khó lường trên thế giới và trong nước gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống nhân dân trong nước.
“Nhưng với sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt và sáng tạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội nước ta đã từng bước phục hồi và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; niềm tin xã hội, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ngày một lớn hơn”, Lãnh đạo Bộ nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực xã hội, lao động - việc làm năm 2022, Ngành LĐ-TB&XH đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi do đại dịch COVID-19.
Công tác cứu trợ khẩn cấp triển khai có hiệu quả với nhiều chính sách đi trước, đi sớm và hiệu quả, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện. Chúng ta đã tích cực tham mưu các chính sách hỗ trợ hơn 104 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động. Người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời.
Song song, cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chúng ta đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
“Nhìn tổng thể, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ ngày một mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững”, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Theo Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, ước thực hiện năm 2022 hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, chính phủ giao, gồm:
Có 03/03 chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 đạt mục tiêu đề ra: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,79%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%, và Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%.
Có 03/03 chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP đạt và vượt mục tiêu đề ra: Đưa trên 142 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 158% kế hoạch; Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH đạt khoảng 38%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 31,1%.
Nhiều dấu ấn nổi bật
Bên cạnh đó, về các nhiệm vụ cụ thể, ngành LĐ-TB&XH trong năm qua cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Đáng chú ý, đã thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trong 03 năm (từ năm 2020 đến hết năm 2022), thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho trên 68,43 triệu lượt người lao động, người dân và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức chi trả bằng tiền mặt hoặc qua các chính sách trực tiếp và gián tiếp.
Trong đó, thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ trên 45 nghìn tỷ đồng, Nghị quyết số 03 và Nghị quyết số 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hơn 41 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ trên 3,7 nghìn tỷ đồng.
Về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, trong năm đã trình 10 đề án, bao gồm: 01 hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), 04 Nghị định, 03 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 20 thông tư.
Công tác kiểm tra quy phạm pháp luật cũng được tập trung thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm.
Đặc biệt, thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng, được cải thiện từ quý I đến quý III năm 2022.
Lực lượng lao động, số người đang làm việc, thu nhập bình quân tháng tăng so với năm trước. Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với năm 2021.
Tuy nhiên, từ đầu quý IV đến nay, một số ngành, lĩnh vực xuất hiện những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ... Để kịp thời ổn định tình hình, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.
Đưa lao động Việt đi làm việc ở nước ngoài: Bứt phá ngoạn mục
Thị trường lao động ngoài nước tiếp tục được ổn định và mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng, nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài được tăng cường. Trong năm đã đưa 142.779 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó 48.835 lao động nữ), vượt mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, cũng trong năm qua, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, trong đó tập trung sửa đổi Luật BHXH.
Về Giáo dục nghề nghiệp, ước thực hiện tuyển sinh trên 2.259 nghìn người, đạt 108,3% so với kế hoạch; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp khoảng 2.096 nghìn người, đạt 115% so với kế hoạch.
Đặc biệt, luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người người có công với cách mạng, kinh phí trên 29 nghìn tỷ đồng. Điều dưỡng cho trên 500 nghìn lượt người có công. Các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sỹ được tổ chức chu đáo, trang trọng, ý nghĩa. Tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước về cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ với kinh phí hơn 835 tỷ đồng.
Tiếp tục thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ”.
Các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Ngân sách trung ương bố trí năm 2022 là 8.620 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và khoảng 23 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung.
Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho trên 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí khoảng 28 nghìn tỷ đồng…
Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh; Bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021... Ngoài ra, các lĩnh vực khác đều được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả tốt.
Trên cơ sở kết quả đạt được năm 2022, bước sang năm 2023, toàn ngành nỗ lực hơn nữa để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội nhằm góp phần hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; tiếp tục thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”.
Để đạt được những kết quả nêu trên, tại Hội nghị, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước hết là do toàn Ngành đã dồn lực trong việc tập trung tham mưu, cảnh báo và đề xuất thực hiện các biện pháp linh hoạt, sáng tạo và kịp thời nhằm ổn định thị trường lao động; tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ các biện pháp phục hồi sản xuất và các chính sách an sinh xã hội ngắn hạn và lâu dài.
"Bên cạnh đó là sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐTBXH và sự phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan liên quan, nhất là sự vào cuộc của các địa phương, qua đó đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế - xã hội đang khởi sắc trở lại, thị trường lao động phục hồi và bắt đầu tạo lập được sự ổn định", Bộ trưởng ghi nhận.
Năm 2023, phấu đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao:
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ khoảng 27,5%.
Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 1-1,5%.
Và chỉ tiêu Chính phủ giao, gồm:
Đưa khoảng 110 - 120 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 39 - 40%; Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN khoảng 31,5 - 32%.