CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:23

Thủ tướng tin tưởng năm 2023, ngành LĐ-TB&XH phát huy những thành tựu đạt được, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ đề ra

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023

Sáng 14/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hoàn thành đạt và vượt cả 6/6 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành LĐ-TB&XH có đối tượng quản lý nhiều, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, nhạy cảm, yêu cầu cao, khả năng đáp ứng có hạn, thời gian thì "không chờ đợi ai".

Vấn đề là chúng ta phải có cách ứng xử đúng đắn, luôn thích ứng, đổi mới, kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách, vấn đề liên quan đến thể chế, tổ chức thực hiện, phối hợp để quản lý tốt. Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ của Bộ LĐ-TB&XH rất lớn, nặng nề, tổng thể.

Empty

Hoan nghênh những công việc Bộ đã thực hiện thời gian qua, Thủ tướng nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự quản lý của Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; trong đó giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, lao động và việc làm.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐ-TB&XH đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước.

Nhấn mạnh, trong năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành đạt và vượt cả 6/6 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao, Thủ tướng ghi nhận thêm, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng được Bộ tiếp tục được chú trọng, trong đó có xây dựng, kết nối dữ liệu của ngành với cơ sở dữ liệu về dân cư.

Bên cạnh đó, chính sách người có công với cách mạng tiếp tục được hoàn thiện, triển khai kịp thời. Kết nối cung-cầu lao động được tăng cường, thúc đẩy. Phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của nền kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các chính sách xã hội được thực hiện tốt.

Công tác giảm nghèo, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, người cao tuổi triển khai khá toàn diện và tương đối đầy đủ, hiệu quả...

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2022, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thành 6/6 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2022, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thành 6/6 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số điểm cần làm tốt hơn thời gian tới như: Chỉ tiêu về tăng năng suất lao động; chủ động trong xây dựng, nghiên cứu chiến lược; phát triển thị trường lao động bền vững. Nâng cao cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, cố gắng bao phủ rộng hơn đến tất cả các đối tượng. Tệ nạn xã hội, số người nghiện ma túy có xu hướng tăng, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp... là các vấn đề cần lưu ý.

Mọi chủ trương, đường lối đều vì lợi ích của nhân dân

Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH trong năm 2023 là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, tận tâm, tấm lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và bám sát thực tế; với tinh thần tiếp tục làm tốt và lan tỏa tinh thần nhân ái, đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội; quản lý phát triển xã hội bền vững-không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành LĐ-TB&XH phải tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả đường lối Đại hội XIII của Đảng; Kế hoạch, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và 10 năm; các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội; nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; có phản ứng chính sách kịp thời.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh thành

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh thành

Bộ LĐ-TB&XH phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với các chính sách về lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 "Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân".

Ngành LĐ-TB&XH, các địa phương phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", "xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công", huy động mọi nguồn lực chung tay chăm lo đời sống của người có công; tăng cường vận động, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ.

Cùng với đó phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; gắn kết cung-cầu lao động, nhất là giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát huy vai trò quản lý của Nhà nước và của các hiệp hội, hội đoàn nghề nghiệp trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

“Trước mắt, ngành cần tập trung triển khai tốt Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động; tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại chỗ”, Thủ tướng nói.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư trong đào tạo nghề

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo phải xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số.

Có giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất lao động; đặc biệt, tăng cường kỹ năng số cho người lao động. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng mở, linh hoạt, theo tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư trong đào tạo nghề.

Thủ tướng đề nghị xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng trước các rủi ro trong cuộc sống.

“Bảo đảm cơ hội tiếp cận đầy đủ, phù hợp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho nhân dân, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục; tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở và hạ tầng xã hội khác cho người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để giải quyết vấn đề về chỗ ở cho người lao động”, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ rệt về việc xác nhận, công nhận người có công; tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ; tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam; chất lượng, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn; cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý…

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết nối, liên thông dữ liệu; tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng: "Năm 2023, ngành LĐ-TB&XH sẽ phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn; thực hiện tốt mọi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân".

Nhóm Phóng viên

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh