Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ, với diện bao phủ ngày một mở rộng
- Tây Y
- 11:54 - 14/01/2023
Sáng 14/1, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và trực tiếp chỉ đạo hội nghị. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có các Thứ trưởng: Nguyễn Bá Hoan, Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh, Nguyễn Văn Hồi; lãnh đạo các Bộ, ngành… và lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trên cả nước.
Niềm tin xã hội, nhân dân, doanh nghiệp ngày một lớn hơn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cùng với cả nước, ngành Lao động, người có công và xã hội chúng ta vừa trải qua năm 2022 với những thách thức, khó khăn rất lớn của thời kỳ hậu COVID-19 cùng với những biến động nhanh, khó lường trên thế giới và trong nước gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống nhân dân trong nước.
“Với sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt và sáng tạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội nước ta đã từng bước phục hồi và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; niềm tin xã hội, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ngày một lớn hơn”, lãnh đạo Bộ cho biết.
Trong lĩnh vực xã hội, lao động - việc làm năm 2022, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngành LĐ-TB&XH đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi do đại dịch COVID-19.
Công tác cứu trợ khẩn cấp triển khai có hiệu quả với nhiều chính sách đi trước, đi sớm và hiệu quả, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện.
Bộ cũng đã tích cực tham mưu các chính sách hỗ trợ hơn 104 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động.
“Bên cạnh đó, người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời. Chúng ta đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025”, Bộ trưởng thông tin.
Thị trường lao động phục hồi, tạo lập được sự ổn định
Đáng chú ý, các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước sau đại dịch COVID -19.
“Chúng ta đã đưa gần 143 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 160% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021. Bên cạnh đó, toàn Ngành đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chúng ta đã tổ chức thành công chuỗi các hoạt động, sự kiện sâu rộng, thiết thực, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ,…”, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Để đạt được những kết quả nêu trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận, trước hết là do toàn Ngành đã dồn lực trong việc tập trung tham mưu, cảnh báo và đề xuất thực hiện các biện pháp linh hoạt, sáng tạo và kịp thời nhằm ổn định thị trường lao động; tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ các biện pháp phục hồi sản xuất và các chính sách an sinh xã hội ngắn hạn và lâu dài.
Bên cạnh đó là sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐ-TB&XH và sự phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan liên quan, nhất là sự vào cuộc của các địa phương, qua đó đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế - xã hội đang khởi sắc trở lại, thị trường lao động phục hồi và bắt đầu tạo lập được sự ổn định.
“Nhìn tổng thể, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ ngày một mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng bày tỏ băn khoăn, vẫn còn nhiều thách thức về vấn đề xã hội phía trước đòi hỏi cần phải giải quyết trước mắt trong năm 2023 và thời gian tới.
Đó là các vấn đề về già hoá dân số; Sự thay đổi trên thế giới về vấn đề việc làm như di cư, di biến động, việc làm có chất lượng và tiền công thoả đáng; Biến đổi khí hậu đe doạ tới sinh kế của người dân, đặc biệt là khu vực dễ tổn thương như nông nghiệp, nông dân, dân tộc thiểu số,...;
Vấn đề việc làm phi chính thức, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao, phần đông người lao động Việt Nam vẫn phải đang chấp nhận làm các công việc dễ tổn thương...;
Hiện thực hoá khát vọng vươn lên của đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới và thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chính sách xã hội với yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp cùng với cách tiếp cận mới, sáng tạo cho những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Thay đổi tư duy để phù hợp với xu thế của thời đại
Cùng với những vấn đề trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu thêm, chúng ta cũng đã và đang phải đối mặt với thực trạng thế giới đã và đang thay đổi từng ngày, khi mà tương lai hầu như khó có thể dự đoán được, các lựa chọn tăng lên theo cấp số nhân, được thế giới hay dùng thuật ngữ VUCA với 4 hàm ý (biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ), đặt ra cho chúng ta phải ra quyết định nhanh hơn, xử lý lượng thông tin lớn hơn, buộc chúng ta phải thay đổi tư duy để phản ứng nhanh và chính xác để phù hợp với xu thế của thời đại.
Ngành LĐ-TB&XH cũng cần phải chủ động đổi mới tư duy, đổi mới phương thức làm việc, chủ động trong công tác dự báo, linh hoạt ứng phó với những biến động có thể xảy ra.
Trên cơ sở đó, với quan điểm cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý mạnh, cách tiếp cận vòng đời với phạm vi tổng quát cho tất cả các nhóm đối tượng, hệ thống chính sách xã hội tích hợp, tăng cường đầu tư vào dịch vụ công chăm sóc dựa vào cộng đồng.
Xác định khoảng trống an sinh xã hội với nhóm đối tượng dễ tổn thương, bao gồm lao động phi chính thức, lao động di cư, lao động khu vực dịch vụ xã hội, đảm bảo cách tiếp cận theo quyền, theo công ước cũng như Hiến pháp nước ta.
Trước mắt, Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2023, Ngành phải nỗ lực tham mưu Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành một nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2035, tầm nhìn 2045 với mục tiêu phát triển chính sách toàn diện, bền vững, hiện đại.
Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, hình thành lưới an sinh xã hội theo yêu cầu đổi mới và phát triển, đảm bảo nâng cao khả năng phòng ngừa, chống chịu và khắc phục rủi ro của nhân dân; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, nâng cao hiệu quả an ninh, an sinh của người dân, tạo môi trường để mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp và thụ hưởng thành quả của cách mạng.
Về lâu dài, chúng ta phải tiếp tục rà soát hoàn thiện toàn bộ khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách để xây dựng và hình thành từng bước thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ và hiện đại, thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xã hội và huy động nguồn lực xã hội trong việc thực hiện các chính sách xã hội. Triển khai toàn diện thiết thực, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là người có công, đối tượng yếu thế và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Chăm lo, tạo môi trường an toàn để bảo đảm phát triển đầy đủ quyền của trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu về các nhóm đối tượng, bảo đảm liên thông giữa địa phương với trung ương, giữa các ban, ngành.
Cũng tại Hội nghị, nhằm ghi nhận thành tích của các đơn vị, địa phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu các phong trào thi đua năm 2022, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tặng Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022 cho 16 Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 21 đơn vị thuộc Bộ.
Trong 3 năm dịch bệnh, từ 2020 đến hết 2022, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho trên 68,4 triệu lượt người lao động, người dân và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng.
Ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người có công với cách mạng, kinh phí trên 29 nghìn tỷ đồng. Điều dưỡng cho trên 500 nghìn lượt người có công.
Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được ban hành và triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, đem lại hiệu quả rất lớn, thiết thực cho người dân.
Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Ước thực hiện năm 2022 hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, chính phủ giao, gồm:
Có 03/03 chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 đạt mục tiêu đề ra: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,79%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%; và Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%.
Có 03/03 chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP đạt và vượt mục tiêu đề ra: Đưa trên 142 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 158% kế hoạch; Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH đạt khoảng 38%, tham gia BHTN đạt khoảng 31,1%.