THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:32

Lại nói về vị thẩm phán và phiên tòa phúc thẩm vụ án dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu

 

Thứ nhất: Đối với cháu N.N.A.D (sinh năm 2008). Khi bị xâm hại (tháng 4/ 2014) cháu 6 tuổi và 3 năm sau khi các điều tra viên ghi lời khai thì cháu đã 9 tuổi. Ông thẩm phán nghi ngờ khả năng cháu có thể khai "chi tiết lời nói, hành vi ông Thủy đối với mình"  sau 3 năm vì ông cho rằng cháu không thể có "trí nhớ siêu việt, nhớ từng chi tiết và nhớ nguyên văn" đến thế.

 

HĐXX trong phiên xử phúc thẩm vụ án.

 

Thưa Thẩm phán, chắc ông chưa biết khi bị xâm hại tình dục (XHTD) thì nạn nhân sốc đến thế nào. Với một đứa trẻ, cú sốc ấy còn nặng hơn, dai dẳng hơn bội phần. Nó ám ảnh đứa trẻ đến suốt cuộc đời chứ không dễ gì quên được chỉ sau 3 năm. Hơn nữa, cháu N.N.A.D vào thời điểm bị xâm hại cũng đã 6 tuổi, cái tuổi được khoa học và pháp luật cho phép bước vào lớp 1 để bắt đầu học và nhớ những kiến thức phổ thông đầu đời thì sao cháu không thể khắc cốt ghi xương được hành vi và lời nói của Nguyễn Khắc Thủy dâm ô với mình?

Cũng từ cách "nghiên cứu kỹ" như thế, ông đi đến một suy luận không kém phần vội vã và vô cảm khác. Ông cho rằng có sự chỉ dẫn, "nhắc tuồng" của người lớn, ám chỉ những ông bố, bà mẹ có những đứa con bị XHTD. Thưa Thẩm phán, tôi đã từng gặp và trò chuyện với những bà mẹ, ông bố có con là nạn nhân bị XHTD. Họ không dễ gì đi đến quyết định cung cấp chứng cứ về con mình cho pháp luật và công luận bởi không mấy khi đứa con của họ có thể bảo toàn được thanh danh, tương lai không bị hoen ố cho dù có thể vụ việc được giải quyết thấu tình đạt lý. Ít nhất đã có một bà mẹ dũng cảm lên tiếng và chuyển chứng cứ về hành vi nhơ nhuốc của Nguyễn Khắc Thủy đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng, thẩm quyền bảo vệ trẻ em. Chỉ vì chị không muốn có thêm những nạn nhân khác của tên Thủy, không muốn xã hội có thêm những đứa trẻ sống với nỗi ám và sự bất ổn đến suốt đời. Có bao nhiêu bà mẹ, ông bố muốn "nhắc tuồng" để con mình bị hoen ố thanh danh, nhơ nhuốc tương lai thưa ông Thẩm phán?

Thứ hai: Đối với trường hợp của cháu T.H.A (sinh năm 2003) thì ông Thẩm phán đã tỏ ra hiểu biết hơn nữa về tâm lý trẻ em. Ông "nghiên cứu" rằng khi bị xâm hại (cuối tháng 5/2014), cháu đã 11 tuổi mà lại không "kể lại cho gia đình", mãi đến cuối năm 2016 cháu mới cung cấp lời khai đầu tiên tại cơ quan điều tra, tức là sau 30 tháng. Cho đó là thời gian dài để quên đối với một đứa trẻ nên ông cũng quy chụp, nghi ngờ có sự "chỉ bảo của người lớn". Ông cũng trình diễn kiến thức về trẻ em của mình khi phân tích rằng ở tuổi 11, khi đã có "nhận thức và ý thức về cơ thể" mà bị tên Thủy sờ soạng vào vùng nhạy cảm thì chắc chắn nạn nhân sẽ phản ứng "tức thời theo bản năng và phản xạ chứ không thể để ông Thủy lạm dụng đến 10- 15 phút". Ông Thẩm phán đã "nghiên cứu kỹ" về nạn nhân mà chưa thấy ông trình bày với công luận kết quả nghiên cứu của ông về hành vi, thủ đoạn, kinh nghiệm sống của thủ phạm. Ông Thiện còn phân tích thêm rằng vào lúc 11 tuổi cháu H.A đang "phát triển bình thường, đặc biệt cháu học rất giỏi" nên ông nghi ngờ luôn sự trung thực trong lời khai của đứa trẻ về việc chịu đựng hành vi xâm hại của Nguyễn Khắc Thủy đến 10- 15 phút mà lại không phản ứng tức thời. Đến đây thực sự tôi đang cười ra nước mắt. Tôi chưa từng đọc nghiên cứu nào, từng biết vụ án nào, từng nghe ở đâu trên trái đất này nhân loại đúc kết rằng chỉ những đứa trẻ phát triển không bình thường và học không giỏi thì mới có nguy cơ bị XHTD, còn nếu bình thường và học giỏi thì phải nghi ngờ khi nó nói rằng mình bị xâm hại.

Thật khó có lý lẽ nào để chống lại phán quyết của tòa án nếu khi xét xử thẩm phán cứ nhất quyết nghi ngờ chứng cứ, lời khai của nạn nhân vì chúng là trẻ con; cứ nhất quyết suy diễn vô tội cho bị cáo vì hắn là người tuổi cao, sức yếu, lại từng đã từng có vị thế nào đó trong xã hội.

Thưa các quý vị. Nhiều quốc gia đã và đang tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật và hiệu quả của công cuộc phòng chống tội XHTD trẻ em bằng quy định mở rộng khung thời gian hồi tố. Nước Pháp chẳng hạn, họ đã mở rộng khung hồi tố đối với thủ phạm XHTD trẻ em từ 15 năm lên 20 năm. Ví dụ, một nạn nhân 36 tuổi có quyền tố cáo hành vi, thủ phạm XHTD đối với mình khi 16 tuổi. Tôi không dám nghĩ đến một thực tế rằng với cách "nghiên cứu kỹ" hồ sơ và kiến thức về trẻ em được sử dụng để suy diễn, phán quyết trong xét xử như thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện thì sẽ có bao nhiêu nạn nhân XHTD khóc thầm và bao nhiêu bị cáo cười ruồi?

Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật trẻ em 2016 của Việt Nam cũng quy định những người tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án có thủ phạm, nạn nhân, người làm chứng là trẻ em hay người chưa thành niên thì phải có kiến thức về giáo dục và về tâm lý, sinh lý của trẻ em. Tôi vô cùng lo ngại khi có những thẩm phán với kiến thức pháp luật và khả năng nghiên cứu hồ sơ, chứng cứ tương tự ông Huỳnh Ngọc Thiện tiếp tục được phân công chủ trì và phán quyết những vụ án XHTD trẻ em như đã từng có ở Tòa án tỉnh BRVT. Tôi cũng đồng thuận với công luận về việc đánh giá cao quyết định kịp thời của Chánh tòa BRVT đình chỉ công tác xét xử của thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện cũng như quyết định của Tòa cấp cao tại Thành phố HCM rút hồ sơ vụ án để xem xét. Tôi tin rằng sẽ có một phiên tòa theo thủ tục giám đốc thẩm công minh, đúng người, đúng tội, đủ sức răn đe, ngăn chặn nạn XHTD trẻ em!

ĐẶNG NAM (Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh