THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:28

Lại một tháng Tư về...

Và suốt cả tháng Tư, với bao ngày lễ kỷ niệm chiến thắng của các tỉnh thành phía nam đất nước để nhớ lại những thời khắc thiêng liêng đã đi qua. Và có lẽ nhớ nhất là thời điểm 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng Tư năm ấy, xe tăng quân giải phóng tiến vào Đinh Độc Lập, rồi xe quân giải phóng đưa ông Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu đến đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

 

Trịnh Công Sơn năm 1975                 Ảnh TL

Cũng buổi trưa hôm ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến đài phát thanh hát “Nối vòng tay lớn”. Tiếng súng vẫn còn nổ đâu đó phía Cần Thơ,… nhưng yếu dần rồi tắt hẳn. Chỉ còn tiếng hò reo và nước mắt mừng vui chào đón hòa bình sau mấy chục năm bom đạn cắt chia. Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Cái cảm xúc nghẹn thở trong niềm vui cực đại đã khiến tôi viết lên những câu thơ sảng khoái khi nhìn những quả bóng màu mà các em nhỏ thả bay lên bầu trời lồng lộng trong ngày hội hòa bình: 

Bỗng bay lên ngàn vạn quả bóng màu

Trời mặc áo hoa cùng trẻ nhỏ.


Bài hát "Nối vòng tay lớn" - Nhạc sỹ Trình Công Sơn hát trên đài Tiếng nói Việt Nam 30/4/1975

 

Gần một năm sau, nhạc sĩ Văn Cao vẫn chưa hết xúc động, giáp Tết năm ấy, ông đã viết nên bản nhạc “Mùa xuân đầu tiên” với cảm xúc như được kìm nén suốt cả đời mình, rưng rưng nhận ra “mùa bình thường – mùa vui” đã về thực sự trên đất nước thân yêu: 

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người... 

Lại một tháng Tư sắp qua. 40 tháng Tư qua và sẽ hơn thế nữa… 

Nhân dân Sài Gòn nô nức xuống đường mừng chiến thắng ngày 1/5/1975

Cứ tưởng đất nước thống nhất rồi chỉ toàn niềm vui, “non sông thu về một mối”. Nhưng lòng người đã thu về một mối hết hay chưa? 40 năm vẫn còn trăm mối tơ vò. 

Tôi bỗng chùng lòng khi ngẫm về thế sự, nghĩ về kẻ thắng người thua năm ấy, bây giờ. Vẫn biết thời gian vật đổi sao dời, bao nhiêu đổi thay ngoài tưởng tượng. Đường rộng hơn. Nhà cao hơn. Điện sáng hơn. Cuộc sống khá giả hơn. Và đói nghèo thuyên giảm. Nhưng sao vẫn còn có những người Việt hận thù nhau, vẫn còn ghê gớm thế. Tôi đọc trên báo, trên mạng thấy chả ai chịu ai, chả cờ nào chịu cờ nào. Cờ đỏ sao vàng đã bay khắp cùng nước Việt rồi, sao vẫn còn cờ vàng ba sọc đâu đó ở quận Cam… Một đoàn người hô “đả đảo Việt cộng, đả đảo cộng sản”. Dân ta sao cứ đả đảo dân ta? Và cả một chiến sách “diễn biến hòa bình” không mệt mỏi. Hòa bình ai chả muốn. Vậy mà lâu nay tôi vẫn không hiểu tại sao lại “chống diễn biến hòa bình”? Có từ gì hay hơn, rõ hơn không? Nếu chống những người âm mưu phản bội lại dân tộc thì cũng nên nói rõ ra, chứ cứ nói lờ mờ thế thật khó mà hiểu nổi. Vẫn biết, còn nhiều quan điểm khác nhau chưa ngã ngũ, thậm chí còn những quan điểm đối lập, nhưng nếu cùng vì dân, vì nước, vì dân tộc thì cái mẫu số chung ấy có gì phải băn khoăn? 

Các mũi tấn công của quân và dân ta tiến vào giải phóng miền Nam    Ảnh TL

Chống xâm lược thì tất nhiên cả dân tộc phải chống rồi. Chống Pháp, rồi chống Mỹ, rồi chống Bành trướng. Gọi là chiến tranh vệ quốc thì tất nhiên là chính nghĩa. Nhưng Pháp cút rồi Mỹ rút, “chiến tranh” vẫn cứ xảy ra trong lòng người “gà cùng một Mẹ”. Ngày xưa, bọn ngoại bang thật hiểm ác, chúng trang bị vũ khí cho dân ta đánh dân ta. Ừ thì biết là hai phe đối đầu, nhưng dân ta thì khổ, thì chết chóc tang thương. Phải mất hơn 20 năm dân tộc mới đi qua được chiếc cầu Hiền Lương (cũ) dài 194 mét. Không thể tính được bao nhiêu xác người Việt thì vắt qua được 1 mét cầu. Và dòng sông chia cắt ấy ám ảnh như một “dòng sông máu” trong lịch sử dân tộc. Có lẽ câu thơ Xuân Diệu viết ngày đầu chia cắt đã ám vào máu dân tộc này: “Dòng sông Bến Hải chảy qua tim”!

Hãy cảnh giác trò “tọa sơn quan hổ đấu”. Hãy cảnh giác ngoại bang. Cái khó của những ông vua là làm sao yên dân, và ngoại bang luôn thân thiện. Vậy mà câu nói của Phuxích luôn văng vẳng đâu đây: “Hãy cảnh giác!”. 

Vậy thì dân tộc này phải hòa giải. Đó là con đường không thể khác, con đường sống. 

Vẫn biết đánh nhau thì kẻ thua người thắng. Nếu không có kẻ thua thì ai thắng được đây. Phải tung hô người chiến thắng. Nhưng cũng phải cám ơn kẻ bại trận chứ. Uýtman lớn, bởi ông đã viết nên hai câu thơ vĩ đại này: 

Hãy nổi kèn lên tung hô đoàn quân chiến thắng trở về!

Hãy nổi kèn lên chúc mừng những người thua chết chìm dưới đáy biển sâu! 

Cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17            Ảnh TL

Thắng thua thì cũng đã rồi. Vậy mà vẫn cứ đau. Nguyễn Duy đã có lúc đau quá mà thốt lên: “nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Là nói như Ximônốp: “Người ta sinh ra không phải để làm lính”. Chiến tranh là bắn giết. Nhưng than ôi, họ đều là những con người! 

Trước khi qua đời, ông Võ Văn Kiệt đã rất đau đớn mà thốt lên: “Ba mươi năm rồi, mà sao dân tộc này vẫn chưa hòa giải đươc?”. Đó là một câu hỏi cảm thán, nhưng cũng là một thú nhận sự khó khăn của ông, dù ông từng là Thủ tướng nước này. Nhưng, đó là một lời than có thể chia sẻ, nếu ta vì dân tộc muốn thu về một mối. Tôi chia sẻ với ông vì tôi đã từng nghĩ: Một dân tộc mà lũ trẻ không biết mơ mộng và người già không biết sám hối, đó là một dân tộc bất hạnh. Hãy trân trọng những ước mơ và trân trọng sự sám hối. 

Thật khó mà hòa giải được ngay khi vừa phân định thắng bại. Nhưng nếu người chiến thắng dám dang rộng vòng tay, thì người ngã ngựa không sợ mình bị giết. Tôi không nhớ hai từ “hòa giải” xuất hiện trước thống nhất bao năm nhưng hình như cũng chỉ mới đây thôi, nó cứ dội lên ở bất cứ nơi nào có người Việt như một ước mơ không thể khác. Có còn hơn không. Muộn còn hơn không. Tuy vậy, hòa giải thì không thể nói suông. Phải bằng những hành động thực tế. Điều này thì Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây là một bậc thầy. Cụ thu phục được dân chúng, thu phục được nhiều trí thức nhân sĩ Việt ở cả nước ngoài, còn thu phục được cả đồng minh. Đã làm chính trị thì phải cao mưu, thậm chí thủ đoạn, nhưng cái tâm sáng thì nó sẽ tỏa ra. Cụ chọn dương ngọn cờ “độc lập dân tộc” là thượng sách. Dù nhân bất thập toàn, nhưng làm người lãnh đạo hay làm lãnh tụ thì phải vì nghĩa lớn. Người ta nói Cụ làm Trần Dân Tiên để viết về mình, nhưng khi biết điều đó, tôi coi cuốn sách Cụ viết là một “hồi ký” thì thấy Cụ viết rất giỏi bởi động cơ và hành động của Cụ không có gì khuất tất, mà ngược lại, Cụ nói rất sáng rõ về tinh thần yêu nước. Cụ Hồ nói và làm không khác nhau. 

Mùa hoa loa kèn                    Ảnh; MD

Không phải tất cả người Việt Nam hiện nay không muốn “hòa giải dân tộc”. Nếu có, cũng chỉ là một con số ít ỏi mà thôi. Hòa giải là nguyện vọng cấp thiết của người Việt Nam dù trong hay ngoài nước. Nhưng cái bí nhất là chưa “hóa giải” được. Mà muốn hòa giải được, trước hết phải hóa giải đã. Hóa giải hận thù… Chúng ta phải làm tuần tự mới hy vọng được phải giải quyết cái dấu “sắc” (hóa) trước đã, rồi cái dấu “huyền” (hòa) sẽ đến. Nếu không giải quyết được hóa giải hận thù, hóa giải quan niệm dân chủ thì thật khó có thể tiến tới hòa giải dân tộc được. 

Nhìn ngược lịch sử Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua, vấn đề “hóa giải” hiện nay đang là một nan đề mà Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn ráo riết quan tâm. Trước hết là ứng xử của người lãnh đạo đất nước với những người từng “ở phía bên kia” hay đang “ở phía bên kia”. Phải có cái nhìn trọng thị. Tốt nhất là hãy nói không phân biệt, như Mỹ nói không phân biệt chủng tộc, và Obama được bầu làm Tổng thống là một minh chứng. Nên nhìn tổn thất trong cuộc chiến tranh trước 1975 là tổn thất chung của dân tộc dù bên này hay bên kia chiến tuyến. Hãy cầu siêu cho những người thắng cuộc và cả những người chiến bại. Hãy tuyên dương những người có hành động giữ nước dù họ ở phía nào. 

Thiển ý của tôi thì những người Việt chiến bại trước đây, nếu vì lợi ích dân tộc, vì hòa hợp tiến bộ thì cũng đừng cố chấp mãi những sai lầm của người chiến thắng. Bất kỳ công dân nào mang hộ chiếu Việt Nam đều có quyền ứng cử và bầu cử. Hãy tin vào nhân dân, họ nghèo khổ nhưng tâm lớn, họ phận hèn nhưng minh triết. 

Vâng, tháng Tư đã về, những người dân ven đô vẫn lầm lụi trồng hoa, và mùa hoa loa kèn tháng Tư cứ dâng lên một màu trắng tinh khôi quyến rũ lòng người. Những bông hoa hình loa kèn ấy như nhắc nhớ tôi câu thơ vĩ đại của thi hào Uýtman, “hãy nổi kèn lên…”.

 Tôi biết vài điều tôi nói chỉ là muối bỏ biển. Nhưng đó là vì lòng tôi muối mặn. Hãy hóa vàng đi hỡi hận thù ích kỷ. Hãy hòa vào nhau hỡi dòng máu Lạc Hồng. Mẹ Việt Nam không thể vui khi anh em thù hận. Không ai mong có thêm những tháng Tư thù hận vẫn còn vương…

 Tháng Tư 2010 - 2015

Nhà thơ, nhạc sĩ NGUYỄN TRỌNG TẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh