Lai Châu: Giảm hơn 17.000 hộ nghèo
- Dược liệu
- 14:33 - 28/11/2020
Thời gian qua, tỉnh biên giới Lai Châu đã triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, đặc biệt các xã biên giới khó khăn được đầu tư xây dựng khang trang, giúp người dân từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lai Châu có 6/7 huyện được thụ hưởng hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững gồm huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên.
Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giao trong giai đoạn hơn 2.340 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương gần 2.069 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 125 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động. Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Lai Châu đã lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi... Cùng với đó, hỗ trợ cây, con giống, máy móc, mô hình sản xuất…; trong đó, tập trung ưu tiên cho những vùng đặc biệt khó khăn.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh Lai Châu đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (Ban Chỉ đạo) từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hàng năm, kiện toàn Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban và gắn trách nhiệm cá nhân với việc hoàn thành nhiệm vụ cuối năm để đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động. Lai Châu cũng chú trọng xây dựng, ban hành trên 40 văn bản giao vốn, quy định thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, chính sách đặc thù... chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc chương trình giảm nghèo.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo các cấp đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân trong huyện về các chính sách, đối tượng thụ hưởng và quyền lợi khi tham gia chương trình để người dân nắm bắt thông tin, tự nguyện tham gia. Mặt khác, tỉnh tiến hành 112 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát tại cấp tỉnh, cấp huyện. Qua đó, kịp thời giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cấp cơ sở và kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm xảy ra.
Nhờ vậy, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020 đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, hoàn thiện. Tỉnh đầu tư xây dựng mới hơn 500 công trình và duy tu, bảo dưỡng gần 600 công trình đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa…
Về sản xuất, tỉnh đã hỗ trợ trên 600 dự án phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… cho hàng trăm nghìn hộ gia đình. Trong giai đoạn, có hơn 23.200 hộ gia đình thoát nghèo và trên 14.080 hộ thoát cận nghèo. Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cũng được tỉnh Lai Châu quan tâm, hỗ trợ 560 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Lai Châu hiện có 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa, hơn 93% thôn, bản có đường xe máy, tô tô đi lại thuận lợi; trên 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và 100% công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu. Đặc biệt, năm 2018, tỉnh Lai Châu có 2 huyện Than Uyên, Tân Uyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Cùng đó, tập trung hỗ trợ cho những huyện nghèo, xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh Lau Châu. Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng hỗ trợ sinh kế theo hướng giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường hỗ trợ có điều kiện cho người dân, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác giảm nghèo bền vững.