Quảng Trị: Xoá đói giảm nghèo góp phần bảo đảm an sinh xã hội
- Dược liệu
- 19:43 - 27/11/2020
PV: Thưa ông, trong nhiệm kỳ vừa qua, Quảng Trị đã đạt được những thành quả nào trong công tác công tác xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số?
Ông Phan Văn Linh: - Nhiệm kỳ 2016-2020, công tác giảm nghèo bền vững, bảo đẩm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp thực hiện của các ngành, các cấp; sự tham gia hưởng ứng tích cực có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân. Các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách kịp thời, đầy đủ và hiệu quả. Tổng nguồn vốn đã huy động để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là 5.750,90 tỷ đồng, bình quân 1.150,18 tỷ đồng/năm. Người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Kết cấu cơ sở hạ tầng tại huyện nghèo Đakrông và các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và vùng bãi ngang ven biển được tăng cường đầu tư.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 15,43% (24.579 hộ nghèo) đầu năm 2016, xuống còn 6,58% (11.633 hộ nghèo) cuối năm 2020, bình quân giảm 1,77%/năm. Bên cạnh đó, Quảng Trị có hộ gia đình chính sách người có công với cách mạng khá lớn. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, đến nay không còn gia đình chính sách người có công thuộc diện hộ nghèo, 100% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú. Thành tựu trong công tác giảm nghèo bền vững trong 5 năm qua đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
* Những khó khăn, thách thức mà Quảng Trị gặp phải khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm xã hội như thế nào, thưa ông?
- Do điểm xuất phát tỷ lệ hộ nghèo cao, nên đến nay tỷ lệ hộ nghèo tại Quảng Trị vẫn còn cao hơn bình quân cả nước, 6,58% so với 2,75% của cả nước. Hộ nghèo tỉnh Quảng Trị vẫn chủ yếu tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 8.469 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 60,06% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm tỷ lệ 43,91% so với tổng số hộ dân cư đồng bào DTTS. Số hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hộ nghèo của tỉnh. Bên cạnh đó, Quảng Trị là địa phương nằm trong vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lụt, chỉ bị ảnh hưởng một trận bão, lũ lụt lớn là hộ nghèo mới phát sinh; hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu; nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến việc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh không bền vững.
* Tình hình dịch Covid-19 và thiên tai đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Vai trò của ngành LĐ-TB&XH đã được thể hiện như thế nào trong việc giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định đời sống?
- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Sở LĐ-TB&XH đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Chính phủ; Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Quảng Trị đã hoàn thành việc phê duyệt danh sách và chi trả hỗ trợ đối với 4 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội và người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) của toàn tỉnh với 141.809 người được hỗ trợ; tổng kinh phí đã hỗ trợ 139.734 triệu đồng. Phê duyệt danh sách và hoàn thành việc hỗ trợ kinh phí cho 14.044 hộ kinh doanh và người lao động với số kinh phí là 14.218,8 triệu đồng. Phối hợp các ngành liên quan bố trí phương tiện đưa người dân bị mắc kẹt do dịch bệnh Covid-19 tại TP. Đà Nẵng về quê. Có thể nói, đến nay các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng đã được thực hiện có hiệu quả; triển khai đầy đủ, đồng bộ, kịp thời đúng quy định.
Tháng 10/2020, thiên tai, bão lụt xảy ra liên tiếp trên địa bàn tỉnh cũng đã làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân: 52 người chết, 2 người mất tích, 37 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy, sập đổ, trôi dạt, hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng, hàng ngàn hecta cây cối, hoa màu bị hư hỏng, hệ thống cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, thiệt hại lên đến 3.000 tỷ đồng. Sở LĐ- TB&XH đã chỉ đạo các địa phương thống kê số hộ thiệt hại, tham mưu UBND tỉnh thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người chết, bị thương, hỗ trợ các gia đình có nhà ở bị đổ sập, hư hỏng nặng; kịp thời phân bổ 3.000 tấn gạo của Chính phủ hỗ trợ để cứu trợ cho nhân dân vùng bị thiên tai, bão lụt. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai gây ra.
Sở Lao động- TB&XH đang tích cực triển khai thực hiện các chính sách mới ban hành bổ sung về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng nề về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10 năm 2020 trên địa bàn.
* Ông cho biết mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của tỉnh Quảng Trị về giảm nghèo bền vững và những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm?
- Xác định công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới vẫn là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân trên địa bàn tỉnh phải có sự quyết tâm và nỗ lực lớn để đạt mục tiêu đề ra là: hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,0-1,5%/năm. 5 năm tới, Quảng Trị sẽ tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp đối với công tác giảm nghèo bền vững; Nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo hiểu được trách nhiệm của mình, của gia đình mình, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo.
Tỉnh sẽ đánh giá, khảo sát đúng, chính xác thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các địa phương; rà soát phân tích, phân loại hộ nghèo theo nhóm nguyên nghèo, từ đó đề ra các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp cho từng nhóm hộ nghèo; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, tăng cường huy động thêm các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập và tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo. Gắn công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm với công tác giảm nghèo bền vững; Phát triển của cộng đồng dân cư gắn liền với sự vươn lên của hộ nghèo.