THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:23

Tiền Giang: Phấn đấu đưa tỉ lệ hộ nghèo dưới 1% đến cuối năm 2025

Mỗi năm 1.000 hộ thoát nghèo

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cải thiện đời sống cho hộ bảo trợ xã hội; các chính sách, giải pháp giảm nghèo phải được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. 

Tập trung thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo... ; bảo vệ phụ nữ và trẻ em nghèo; phân loại đối tượng để có các chính sách hỗ trợ phù hợp mang tính đặc thù, nhất là đối với nhóm người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội... là những giải pháp giảm nghèo được triển khai thực hiện, ông Phạm Minh Trí – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang cho biết.

Tiền Giang: Phấn đấu đưa tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 1% đến cuối năm 2025 - Ảnh 1.

Tập trung thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo từ 1,99% năm 2021 phấn đấu giảm còn dưới 1% vào năm 2025 (giảm 1/2 số hộ nghèo cuối năm 2020 của tỉnh) và tiến tới ổn định tỷ lệ hộ nghèo tối thiểu, thường xuyên tồn tại khách quan trong quá trình vận động phát triển của nền kinh tế, xã hội.

Đồng thời, phấn đấu giảm trên 5.000 hộ nghèo (bình quân 1.000 hộ/năm), cụ thể: Giảm số hộ nghèo của tỉnh từ 9.999 hộ vào đầu năm 2021 còn dưới 5.000 hộ nghèo vào cuối năm 2025.  Đảm bảo 100% hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn sản xuất, tiếp cận được các nguồn lực và các dịch vụ xã hội như: Y tế, giáo dục, văn hóa, học nghề...

Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo

Qua 5 năm, việc tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn… cùng với sự phát triển kinh tế của tỉnh đã tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo.

Theo đó, ngân sách trung ương bố trí trong 5 năm để thực hiện các dự án hỗ trợ giảm nghèo trực tiếp giao cho tỉnh Tiền Giang để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 là 211,003 tỷ đồng  (gồm vốn đầu tư phát triển 141,370 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp là 69,633 tỷ đồng).

Tiền Giang: Phấn đấu đưa tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 1% đến cuối năm 2025 - Ảnh 3.

Tiếp sức đến trường, hàng trăm học sinh nghèo được hỗ trợ.

Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo có nhu cầu học nghề để tìm việc làm và tự tạo việc làm tại chỗ có thu nhập ổn định. Với chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn miễn phí, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho người lao động thuộc hộ nghèo học những nghề đang khuyến khích đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh; mở rộng dạy nghề, định hướng và hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. 10.250 lao động nghèo và lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn. trong đó có 1.823 lao động thuộc hộ nghèo.

Chính sách cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư miễn phí cho người nghèo và cận nghèo làm nông nghiệp: Tổ chức 107.461 lượt người được tập huấn khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có 34.290 lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Trên 108.800 lượt học sinh nghèo và cận nghèo được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; 100% con hộ nghèo đi học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được trợ giúp; 100% sinh viên con hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn được vay vốn (đạt kế hoạch).

Tiền Giang: Phấn đấu đưa tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 1% đến cuối năm 2025 - Ảnh 4.

Nhiều mô hình kinh tế hay góp phần giảm nghèo bền vững cho địa phương.

Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người nghèo, người cận nghèo thuộc diện được cấp thẻ bảo hiểm y tế (689.938 thẻ BHYT); Hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo: 100% hộ nghèo (85.969 hộ) được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tổng số đã thực hiện 4.167 căn nhà (trong đó, 1.064 hộ được hỗ trợ vay vốn theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ).

Theo ông Phạm Minh Trí, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ trung ương và địa phương, tỉnh còn triển khai chính sách cho người nghèo được tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức như: Phát trên Đài truyền thanh của huyện, xã, trên báo chí… chính sách vay ưu đãi cho người nghèo, gắn với công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, học nghề, việc làm và các chính sách an sinh xã hội khác được các xã triển khai thực hiện tốt, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực hỗ trợ cuộc sống cho hộ nghèo trên địa bàn huyện.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh