CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:30

Lai Châu đầu tư nguồn lực giảm nghèo bền vững

 

Chương trình giảm nghèo bền vững không chỉ giải quyết vấn đề dân sinh, mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng, hình thành các mô hình giảm nghèo phù hợp và hiệu quả.

Năm 2017, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Lai Châu là 351,733 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình 30a, tổng vốn giao là 226,4 tỷ đồng, UBND các huyện đã tổ chức thực hiện đầu tư cho 43 dự án thuộc các hạng mục: đường giao thông, thủy lợi, trường lớp học… Chương trình 135, tổng vốn giao là 122,5 tỷ đồng, đã triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng: giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trạm phát thanh; công trình giáo dục và một số công trình khác. Ngoài ra, còn có các dự án: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và 135, nguồn vốn giao: 1,785 tỷ đồng; dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, nguồn vốn giao thực hiện là 480 triệu đồng. Năm 2017, toàn tỉnh có 80 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt trên 80% kế hoạch giao năm 2017.

 

Tập huấn cầm tay chỉ việc cho người dân.

 

Sau khi chia tách, Lai Châu là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì cả nước. Với xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc còn hạn chế, hủ tục lạc hậu, một số xã thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn do địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng kém phát triển, quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ, ngành nghề dịch vụ manh mún. Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai bão lũ đã ảnh hưởng lớn đến công tác giảm nghèo của tỉnh.

Trước những khó khăn, thách thức trên, các địa phương, ngành chức năng trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân. Cùng với đó, công tác xóa đói giảm nghèo nói riêng, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh ta nói chung được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm thông qua việc phê duyệt đầu tư các chương trình, chính sách như: Chương trình 134, Chương trình 135; Chương trình thực hiện Nghị quyết 30a, chính sách hỗ trợ các dân tộc đặc biệt khó khăn, hỗ trợ cứu đói, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo trong tỉnh... đã tạo nguồn lực cho công tác giảm nghèo có bước phát triển bền vững.

Một điểm đáng ghi nhận trong công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua là từ các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai lồng ghép các nguồn vốn để tập trung cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Các công trình được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và có thứ tự ưu tiên để thực hiện các công trình bức thiết tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong cộng đồng về công tác giảm nghèo, khơi dậy ý thức tự giác, tự lực lao động sản xuất, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vươn lên thoát nghèo. Xác định nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế chủ lực, các địa phương, ban, ngành chuyên môn đã phối hợp chặt chẽ nhằm chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn bà con thâm canh tăng vụ nhằm tăng năng suất chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng xây dựng cánh đồng tập trung, nhân rộng các mô hình trồng trọt chăn nuôi có hiệu qủa như mô hình trồng chè, cây ăn quả, đề án phát triển lợn, trâu bò, dê… Hàng năm, cấp ủy, chính quyền các xã cũng xây dựng kế hoạch giảm nghèo chi tiết, sát thực để tập trung lãnh đạo.

Các huyện thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, hỗ trợ phát triển sản xuất và giảm nghèo cho đồng bào, thay đổi phong tục tập quán lạc hậu, hướng dẫn bà con cách thức tổ chức cuộc sống tiến bộ, sản xuất theo lối cầm tay chỉ việc và thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả ở các xã nghèo…

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lai Châu Lê Văn Thăng khẳng định: “Chưa bao giờ công tác giảm nghèo tỉnh Lai Châu được đặc biệt quan tâm như thời gian gần đây. Các chương trình, chính sách giảm nghèo được tỉnh triển khai đầy đủ đã mang lại hiệu quả nhất định. Nhất là khi các chính sách về hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, công tác khuyến nông, khuyến nông, hỗ trợ làm nhà ở… đã góp phần từng bước cải thiện đời sống của Nhân dân. Theo số liệu sơ bộ Sở vừa tổng hợp, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm được 4,71%, trong đó các huyện nghèo giảm 5,51%. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện còn 30,10% - theo tiêu chí mới (năm 2015 là 40,4%)”

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh