CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:51

Lá thư xúc động của một liệt sĩ

Hiện vật lá thư của liệt sĩ Hồ Kã đang được trưng bày ở tầng 2 Bảo tàng Quảng Trị, khu trình bày nội dung về chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972. ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Nếu như không có cuộc gặp tình cờ của nhóm sưu tầm thì hẳn bức thư viết tay đầy xúc động của liệt sĩ Hồ Kã đến giờ vẫn nằm im lìm trong hộc tủ của gia đình thân nhân liệt sĩ, thay vì được trưng bày trang trọng tại bảo tàng và được nhiều người biết đến...

Cuộc gặp gỡ định mệnh
Với bà Cái Thị Vượng, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Trị thì hiện vật lá thư... Hồ Kã có 1 ý nghĩa đặc biệt. “Đó là một bức thư kỳ lạ và việc chúng tôi tìm được bức thư đó như là một... định mệnh”. Vừa nói, ký ức từ nhiều năm trước ùa về trong bà.
Vào những ngày 4/2011, bà dẫn đầu nhóm cán bộ Bảo tàng Quảng Trị thực hiện một đợt sưu tầm cổ vật, hiện vật. Sau nhiều ngày “quần thảo” ở khu vực H.Vĩnh Linh mà chưa có kết quả nào đáng kể, đoàn của bà Vượng ghé chơi nhà AHLLVT Đào Xuân Hướng ở thôn Bắc Phú (xã Vĩnh Chấp, H.Vĩnh Linh).
Giữa lúc trà nước, bỗng bà Hồ Thị Điệp (vợ ông Hướng) tiết lộ về một bức thư do em ruột của bà là liệt sĩ Hồ Kã viết, gửi về cho gia đình những ngày bom rơi đạn lạc. Nói đoạn, bà Điệp lấy trong hộc tủ lá thư được viết trên nền giấy trắng đục, nhàu nhĩ rồi đọc lên cho mọi người cùng nghe. “Đọc đến đâu, bà Điệp khóc đến đó. Chúng tôi lắng nghe và nước mắt cũng ràn rụa theo vì lời lẽ trong bức thư quá thống thiết, vừa lạc quan mà vừa tình cảm...”, bà Vượng kể. Như vớ được “vàng”, bà Vượng vội vã đặt vấn đề xin gia đình bà Điệp được mang bức thư của liệt sĩ Hồ Kã về trưng bày tại bảo tàng.
Sau một hồi ngẫm nghĩ, bà Điệp đồng ý với điều kiện là cán bộ bảo tàng phải hứa là sẽ gìn giữ và phát huy những ý nghĩa hiện có trong bức thư mà với bà là kỷ vật còn lại duy nhất của người em trai ngày nào.
Số phận kỳ lạ của người viết
Dù được sưu tầm dễ dàng với sự ủng hộ nhiệt thành từ phía gia đình thân nhân nhưng hiện vật lá thư Hồ Kã đã khá trầy trật ở công đoạn hoàn thành hồ sơ và đưa vào bảo tàng. Theo bà Vượng, do năm tháng đã qua lâu, lá thư vốn được viết trên 2 trang giấy kẻ ngang có kích thước 16 cm x 21,5 cm này đã úa màu, nhiều chữ đã bị mờ, nhòe hoặc mất.
Sau khi dịch tương đối (hiện bản gốc vẫn còn nhiều chữ không xác định được), cán bộ bảo tàng mang bản gốc ra UBND xã Vĩnh Chấp để đóng dấu xác nhận nguồn gốc của hiện vật thì lãnh đạo UBND xã này ban đầu không chịu xác nhận vì cho rằng cán bộ bảo tàng… dịch sai. Có chuyện này là bởi, ngay từ phần vào đầu, lá thư của liệt sĩ Hồ Kã đã có đoạn: “Ngày 19.5.1972. Mẹ anh chị kính yêu. Lý Luận Tín Huy thương nhớ. Con đã hy sinh rồi vẫn tranh thủ biên thư về thăm mẹ, anh chị và mấy cháu đây! Mẹ nghĩ con có buồn cười không nào?...”. Nên vị chủ tịch xã nọ cãi lý rằng: sao lại có chuyện ngược đời liệt sĩ đã hy sinh rồi vẫn viết thư (?).
“Chúng tôi lúc đó phải tìm đủ cách để giải thích. Rằng đó là văn phong của người viết là liệt sĩ Hồ Kã. Phần nữa, đó chỉ là cách nói của một thế hệ lính ngày xưa, phàm đã vào chiến trường thì xác định mình đã hoặc sẽ hy sinh”, bà Vượng kể.

 

Về sau, bỏ thêm nhiều công sức tìm hiểu, Bảo tàng Quảng Trị cũng đã thu nhận được rất nhiều thông tin về cuộc đời và số phận của người liệt sĩ đã viết bức thư này. Liệt sĩ Kã sinh năm 1950 ở Vĩnh Chấp trong một gia đình gồm có 8 anh chị em và anh là con trai duy nhất. Khi mới 15 tuổi, anh đã tham gia quân ngũ, thuộc tiểu đoàn 4 độc lập.
Anh cũng từng được cử đi học và huấn luyện tại Trường sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây. Năm 1972, đơn vị anh trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Trong cuộc chiến đấu mùa hè đỏ lửa ấy, anh hy sinh tại một điểm chốt trên đường QL 1 đoạn qua xã Hải Thọ (H.Hải Lăng) vào ngày 2/7/1972 khi chưa tròn 22 tuổi. Theo lời bà Điệp thì liệt sĩ Hồ Kã tình nguyện chiến đấu ở chiến trường miền Nam mà giấu không cho gia đình biết, đặc biệt là người mẹ già vì anh là con trai duy nhất.
Ngày ra trận, chỉ có bà Điệp biết còn mẹ anh vẫn tin rằng anh đang học tập tại Sơn Tây, cho đến mãi về sau bà mới biết sự thật. Bức thư này, được liệt sĩ Hồ Kã viết khi việc giấu mẹ chuyện ra chiến trường đã bị... lộ, nên có đoạn: “...
Bây giờ con báo tin về con để mẹ rõ: Từ bữa xa mẹ ra đi đến nay con vẫn khỏe thường và như lần trước con đã biên thư cho mẹ đó, bữa nay con khỏe hơn rồi, con sẽ về thăm mẹ, điều đó là sự thật mẹ tin ở con. Về phần công tác và chiến đấu của con bình thương nhưng có điều vui là thực hiện được một ước mơ nhỏ của con là được vào Quảng Trị ghé thăm thị xã mà từ nhỏ mẹ mẹ nuôi con lớn khôn con chưa hề lần nào thấy...
Một điều vui nữa là trong những ngày cả nước lên đường thì con có trong đoàn quân nam tiến tuy nõ có chi nhưng được đóng góp công sức nhỏ bé của con để cùng bà con hai miền Nam Bắc cùng góp sức đánh Mỹ để kiên quyết giải phóng miền Nam ruột thịt. Một điều nữa làm con vui hơn khi được tin gia đình an toàn, bà con ngoài ấy nõ ai can chi mà trong ni cũng rứa...”
Anh đã không về với mẹ như lời hẹn ước trong thư rằng “đối với con thời gian xa mẹ còn ít ỏi thôi”. Và lá thư đã vô tình trở thành những lời nhắn gửi cuối cùng mà anh dành cho mẹ và những người thân yêu ở quê nhà...

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh