THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:30

Tết độc lập 2/9/1945 ở Sài Gòn

 

Nhân dân Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ngày 25/8/1945. (Ảnh tư liệu)

Vậy là đã tròn 70 năm, Sài Gòn xưa - TP. Hồ Chí Minh nay cùng với cả nước xuống đường giành lại độc lập tự do. Giờ đây, những người có mặt trong giờ phút trọng đại đó của đất nước không còn nhiều và đều đã già, nhưng ký ức đẹp đẽ và niềm tự hào trong họ thì không bao giờ nhạt phai.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ở Sài Gòn, cùng lúc đó, Uỷ ban Hành chính lâm thời Nam bộ cũng quyết định tổ chức một cuộc mít tinh và diễu hành thật lớn biểu dương lực lượng toàn dân đoàn kết xung quanh chính quyền cách mạng. Theo dự kiến, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ trực tiếp truyền thanh buổi lễ tại Hà Nội vào Sài Gòn để mọi người cùng nghe. Song do trục trặc, nên việc tiếp sóng không thành công.  Tuy lúc đó, đồng bào Nam bộ không nghe được trực tiếp bản Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ, nhưng từ bài diễn văn ứng khẩu của đồng chí Trần Văn Giàu, khi ấy là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, hàng triệu đồng bào Nam bộ đã thể hiện lòng quyết tâm ủng hộ cách mạng, ủng hộ mặt trận Việt Minh, bảo vệ nền độc lập non trẻ của nước nhà.

Hình GS Trần Văn Giàu trên bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Ông Nguyễn Trọng Xuất, năm nay 85 tuổi, cán bộ lão thành ở TP. Hồ Chí Minh, kể lại: “Năm đó, tôi chỉ mới 15 tuổi, nhưng đã cảm nhận được sự đặc biệt của lần đầu tiên chính quyền về tay nhân dân, khi mỗi người được làm chủ vận mệnh của mình”. Ông rất tâm đắc về ý nghĩa của ngày Độc lập 2/9/1945 ở Sài Gòn vì đây không chỉ là sự chuyển đổi về chất của một dân tộc bị phân tán, trở thành một khối thống nhất chính trị mà quan trọng hơn là trong ngày này, đồng bào Nam bộ đã đưa ra được lời thề son sắt: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. 

Lễ Độc lập ở Sài Gòn được cử hành lúc 14 giờ với rợp trời cờ đỏ sao vàng và băng rôn, biểu ngữ ủng hộ cách mạng. Hàng vạn người từ khắp nơi đổ về cùng trang nghiêm chào cờ và hát Tiến quân ca, Quốc tế ca, Thanh niên hành khúc… Ông Trần Văn Giàu khi ấy là Bí thư Xứ uỷ Nam kỳ, Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Nam bộ, Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh lâm thời Nam bộ đã nhanh chóng lên lễ đài ứng khẩu bài diễn văn. Sau khi tuyên bố một sự đổi thay lớn đã đến với lịch sử nước nhà sau Cách mạng tháng Tám, ông nhấn mạnh: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước Cộng hoà. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống”. Ông lại hỏi: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không. Có ai bó tay để cho chế độ thực dân – ra mặt hay giấu mặt, trở lại không?” Sau mỗi câu hỏi của ông, cả rừng người đồng thanh: Không! Không! Không! vang dội một góc trời. Ông kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu. Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay. Tiến tới vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi. Không một thành luỹ nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng”.  Sau bài diễn văn ứng khẩu của Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Bộ trưởng Bộ Y tế sau này), thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên thệ: “Cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ nước, vượt khó khăn nguy hiểm, xây đắp độc lập hoàn toàn cho Việt Nam”. Ngay sau đó, tới lượt đại biểu của nhân dân đọc lời thề...

Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn hiện đại nhất Đông Nam Á.

Cuối buổi lễ Độc lập, thực dân Pháp đã gây hấn, khi đoàn người bắt đầu tham gia lễ diễu hành quanh Nhà thờ Đức Bà và trên đường phố thì từ các cửa sổ của những toà nhà gần đó người Pháp đã bắn đoàn diễu hành. Tất cả có 47 người dân bị chết và bị thương, phía Pháp cũng có 5 người chết và 30 người bị thương. Chỉ chưa đầy một tháng sau ngày Độc lập, nhân dân Nam bộ bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến mùa thu, khởi đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp, theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cụ Trần Văn Sáng nhà ở đường Bàu Cát 6 (phường 11, quận Tân Bình), năm nay đã gần 90 tuổi xúc động nhớ lại: “Khi bác Giàu lên lễ đài phát biểu mọi người vỗ tay hò reo sau đó im lặng lắng nghe. Bác Giàu nói dài nhưng tôi vẫn nhớ mấy ý chính: Một, chúng ta từ một nước nô lệ bị trị trở thành một nước độc lập. Từ một nước quân chủ trở thành chế độ dân chủ Cộng hòa. Chúng ta đang đứng trước một thử thách rất lớn là họa xâm lăng bên ngoài đang đe dọa. Như vậy, tất cả chúng ta phải đem tất cả tinh thần và lực lượng để bảo vệ nền độc lập đó…”

Nhà thờ Đức Bà, TP. Hồ Chí Minh.

Còn bà Lê Thị Thanh thì cho biết: “Năm đó tôi còn đang đi học, thấy mọi người rủ nhau đi xem mít tinh tôi cũng đi theo. Đến gần khu Nhà thờ Đức Bà người đông quá nên tôi không vào gần được. Tôi vẫn nhớ trên đường phố rợp trời cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, cờ các nước đồng minh, cờ của các đoàn thể. Khẩu hiệu giăng đầy các con đường lớn: "Việt Nam Dân chủ cộng hòa muôn năm!", "Đả đảo thực dân Pháp!", "Độc lập hay là chết!"… bằng các thứ tiếng: Việt, Hoa, Anh, Pháp, Nga…”

Ngày nay, ở một vị trí trang trong của Bảo tàng TP Hồ Chí Minh có một bức ảnh gốc chụp không khí mít tinh mừng ngày Độc lập 2/9/1945 ở Sài Gòn. Từ bức ảnh quý giá này, Bảo tàng thành phố đã phục dựng lại không khí tưng bừng, nô nức và hừng hực quyết tâm của hàng triệu đồng bào Nam bộ dự mít tinh ở quảng trường Dinh Nô rô đôm (nay là Dinh Độc lập, hội trường Thống Nhất), sau lưng nhà thờ Đức Bà, trong ngày Độc lập.

Cầu Khánh Hội ngày nay.

Vậy là đã 70 mùa thu đi qua kể từ ngày hàng triệu người dân Sài Gòn nô nức tham gia lễ Độc lập. Sài Gòn xưa, TP. Hồ Chí Minh hôm nay đã mang một diện mạo mới. Là thành phố trẻ trung năng động, tràn đầy sức sống, xứng đáng và tự hào là “Thành phố mang tên Bác”.

Minh Thu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh