THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:49

Kỳ Sơn (Nghệ An): Bảo tồn giống lúa thơm hướng thoát nghèo hiệu quả

 

Gạo Tẻ thơm (tiếng Thái  gọi là Khẩu cháo hom) là một trong những đặc sản của huyện vùng cao Kỳ Sơn. Từ bao đời nay giống lúa này được đồng bào người Thái, người Mông lưu truyền. Nhưng khó khăn hiện nay là do nguồn giống đã có sự thoái hóa do thời gian canh tác nhiều năm, cùng với việc người dân chưa chú trọng đầu tư, chăm sóc, duy trì bảo tồn giống làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.

Gia đình ông Kha Văn Quang ở bản Na Loi, xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn, là mộ trong những hộ dân đang lưu giữ và gieo cấy được giống lúa này. Theo chia sẻ của ông Quang: Hiện gia đình ông có hơn 1,5ha đất ruộng, trong đó hơn nửa diện tích được gieo cấy giống lúa Tẻ thơm của địa phương, vừa để làm nguồn lương thực cho gia đình vừa để lưu giữ nguồn giống lúa quý truyền thống này.

 

Lúa tẻ thơm đang phát triển rất tốt, chuẩn bị trổ bông

Được biết, toàn xã Na Loi có trên 91ha đất ruộng, trong đó có đến 60ha được bà con nông dân xuống giống lúa Tẻ thơm truyền thống. Điểm nổi trội của giống lúa này có hàm lượng dinh dưỡng cao, dẻo, khi nấu có mùi thơm đặc trưng, vị đậm ngon. Đặc biệt là loại gạo này có giá bán rất cao, dao động khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg, tính ra mỗi ha trồng lúa Tẻ thơm cho nông dân thu nhập vài chục triệu đồng.

Giống gạo này có được chất lượng như vậy nhờ việc được gieo trồng ở vùng đất có điều kiện khí hậu phù hợp như: độ cao trung bình trên 600m so với mực nước biển; nhiệt độ trung bình khoảng 20 đến 23 độ C, chênh lệch nhiệt độ ngày, đêm lớn và nguồn nước tưới được lấy từ các khe núi đá rất sạch và mát. 

Ông Vi Văn Hồng , ở bản Na Khướng, xã Na Loi, cho biết: “Người dân địa phương trồng lúa không bón phân, phun thuốc nhưng mức độ sinh trưởng của lúa cao, chống chịu các loại sâu bệnh hại. Tuy năng suất của lúa Tẻ thơm so với lúa khác hơi thấp, nhưng người dân trong xã vẫn duy trì sản xuất giống lúa này để bảo tồn truyền thống. Bù lại, giá bán loại gạo này cao, vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân chúng tôi”.

Mô hình trồng lúa tẻ thơm ở xã Na Loi

Tuy nhiên, hiện nay việc mở rộng diện tích trồng giống lúa này đang gặp khá nhiều khó khăn. Một trong các nguyên nhân khiến quá trình mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa Tẻ thơm tại xã Na Loi gặp khó là do nguồn giống đã có sự thoái hóa trong quá trình canh tác nhiều năm, cùng với việc người dân chưa chú trọng đầu tư, chăm sóc, duy trì bảo tồn giống làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.

Để bảo tồn và phát triển thương hiệu giống lúa đặc trưng này, vụ mùa năm 2018, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An đã phối hợp với xã Na Loi, triển khai mô hình cải tạo, khôi phục lại giống lúa Tẻ thơm, lựa chọn được giống gốc, làm cơ sở phục vụ cho sản xuất đại trà.

Trao đổi với phóng viên, ông Vi Văn Khuôn - Chủ tịch UBND xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Ngoài việc cải tạo, khôi phục, tăng năng suất cho giống lúa này, xã đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ xây dựng thương hiệu lúa tẻ thơm Na Loi để phát huy lợi thế cạnh tranh, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân”.

Việc khôi phục lại giống lúa đặc sản của địa phương góp phần lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây, đồng thời nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc phát huy lợi thế để cạnh tranh, tạo ra sản phẩm mang giá trị hàng hoá, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh