Kỷ niệm 55 năm giải phóng Quy khu Xưởng Dầu - Trảng Tôn: Ngọn lửa không tắt
- Người có công
- 13:10 - 22/11/2016
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 24 gia đình bị địch bắt tập trung vào Quy khu Xưởng Dầu, đã có 77 người thoát ly tham gia kháng chiến, trong đó có 44 người hy sinh (liệt sĩ) của 22 gia đình và 22 người khác (thương binh) đã cống hiến một phần xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong 24 gia đình bị địch bắt tập trung có 9 bà mẹ được truy tặng, phong tặng Danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, riêng gia đình Mẹ Nghề có 6 liệt sĩ, Mẹ Khướt có 4 liệt sĩ, Mẹ Những có 4 liệt sĩ,…
Gặp nhau sau bao năm xa cách. ảnh:H.T
Đại tá Nguyễn Văn Đức, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, đồng thời là Trưởng Ban liên lạc Quy khu kể lại, cuối năm 1960, tại xã Tam Hiệp có 17 thanh niên còn rất trẻ, được tuyên truyền giáo dục và tổ chức lên căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Tháng 11/1960, chính quyền Ngụy xã Kỳ Khương (nay là xã Tam Hiệp) và quận Lý Tín (huyện Núi Thành) đã bắt tất cả 24 gia đình, những người có người thân lên căn cứ tham gia cách mạng vào tập trung quy khu Trảng Tôn, chính quyền ngụy dùng cách này cách ly các gia đình có người thân tham gia cách mạng với cộng đồng.
Buổi gặp măt. ảnh:H.T
Trong khi đó, tại Quy khu Xưởng Dầu, địch bắt dân đào hào, đắp bờ rào xung quanh bằng rào tre và dây kẽm gai, chỉ chừa 2 cửa để ra vào, có dân vệ canh gác. Ban ngày chúng cho ra vào, kiểm soát chặt chẽ, ban đêm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Những gia đình bị đưa vào Quy khu sống trong cảnh cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, dịch bệnh phát sinh, trong 3 tháng đầu đã có 2 thanh niên bị chết vì dịch bệnh ngay trong Quy khu.
Đến tháng 5/1961, có 3 thanh niên trong Quy khu và một số thanh niên ngoài Quy khu bắt liên lạc và bàn kế hoạch giả đi cắt lá, chặt củi để vượt qua sự kiểm soát của địch, đưa lên căn cứ thoát ly cách mạng. Để không bị phát hiện, khi các thanh niên vượt được ra khỏi Quy khu vào buổi tối khoảng 20 phút thì bà con trong và ngoài Quy khu mới đánh mõ hô hoán là Việt cộng bắt thanh niên lên núi, sáng hôm sau thì các gia đình kéo vào Hội đồng xã Kỳ Khương đấu tranh đòi trở về nhà cũ làm ăn vì không bảo vệ được chồng, con để Cộng sản “bắt”. Đây là điều kiện cho các gia đình trong Quy khu nổi dậy phá và trở về nhà cũ vào cuối năm 1961. Sau đó họ tiếp tục tham gia cách mạng đến khi giải phóng đất nước năm 1975.
Ông Nguyễn Ngọc Trình (74 tuổi, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) kể, gia đình ông bị bắt vào Quy khu khi ông chỉ mới 7 tuổi, gia đình ông có một Mẹ Việt Nam anh hùng, người em của ông đã hy sinh. Đến năm 1961, ông đi theo cách mạng. “Bị bắt vào Quy khu đến gần 10 năm mới thoát ly được theo cách mạng. Giây phút này tôi được gặp lại các đồng đội, người thân của các gia đình, còn sống để ôn lại kỷ niệm là niềm hạnh phúc” - Ông nói.
Sau 55 năm giải phóng, đến nay chỉ còn 3 chủ gia đình là gia đình bà Phan, gia đình cô Hai Gòn và cô Hai Truyền.
Đại tá Nguyễn Văn Đức cho biết: “Thể theo nguyện vọng các gia đình, Ban liên lạc đề nghị Đảng ủy xã Tam Hiệp bổ sung vào cuốn lịch sử xã nhà, đồng thời, trong khuôn viên tượng đài chiến thắng Kỳ Lộc nên có bia đá khắc ghi danh sách 24 chủ gia đình Quy khu Xưởng Dầu- Trảng Tôn, ghi nhớ lịch sử anh hùng”.