THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:06

“Kỷ luật không nước mắt” - Dùng tình thương để uốn nắn trẻ em

Trẻ con cần được lớn lên trong tình yêu thương nhưng yêu thương không đồng nghĩa với việc nuông chiều trẻ mọi lúc. Thương con đúng cách cần đi đôi với kỷ luật. Thế nhưng kỷ luật như thế nào cho đúng lại là băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh.

“Kỷ luật không nước mắt” - Dùng tình thương để uốn nắn trẻ em - Ảnh 1.

Bìa cuốn sách "Kỷ luật không nước mắt" của Tiến sĩ Peter L.Stavinoha và nhà báo Sara Au.

Theo tác giả của cuốn sách, kỷ luật không hẳn là hình phạt. Hình phạt chỉ là một phương tiện của kỷ luật. Kỷ luật nên là phương pháp giáo dục hình thành dựa trên việc thấu hiểu trẻ, quan tâm đến lý do ẩn sau cách xử sự của trẻ cũng như tác động từ môi trường xung quanh. Kỷ luật và yêu thương sẽ tạo nên nền tảng vững chắc giúp trẻ vươn lên mạnh mẽ và không bị khuất phục trước những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc sống sau này. Đây chính là triết lý mà Giáo sư, Tiến sĩ Tâm thần học Peter L.Stavinoha cùng nhà báo chuyên về mảng nuôi dạy con Sara Au gửi gắm trong cuốn cẩm nang "Kỷ luật không nước mắt".

"Kỷ luật không nước mắt" là cuốn sách cung cấp những nguyên tắc cơ bản trong việc nuôi dạy con cái, bao gồm 16 chiến lược dạy con có tác dụng tương đương với hình phạt nhằm giúp trẻ nhận ra lỗi lầm của mình nhưng không làm tổn thương con cái.

Cách tiếp cận của cuốn sách bắt đầu bằng việc phân tích những hành vi mang tính thông điệp của trẻ, giải mã những gì con đang cố gắng nói với bạn thông qua cách chúng hành xử. Đây cũng chính là chìa khóa mở cánh cửa cho việc thực hiện kỷ luật không nước mắt.

Tiến sĩ Peter L.Stavinoha phụ trách bộ phận Tâm lý học Thần kinh cho trẻ tại Trung tâm Tâm thần Nhi, thuộc Children's Medical Center of Dallas; đồng thời là giáo sư tâm thần học tại Trung tâm Y khoa, thuộc Trường Đại học Texas Southwestern. Sara Au là nhà báo chuyên về mảng nuôi dạy con và sức khỏe.

Các chiến lược để dạy trẻ biết đúng, sửa sai bao gồm: "Toàn diện - Làm mẫu" cho hành vi tốt, và "Rút lui - Phớt lờ" hành vi xấu. Ngoài ra, cuốn sách cũng sẽ giúp cha mẹ tìm được cách vượt qua những giai đoạn khó khăn mà vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với con. Đó là cách truyền đi thông điệp tin tưởng vào khả năng của con trong việc xử lý vấn đề, đồng thời hướng dẫn con theo cách thích hợp để con thể sự sự độc lập, nhờ đó thái độ xấu của bé sẽ tự tiêu tan.

Sau cùng, tác giả sẽ giới thiệu đến bạn các loại "báo động đỏ" cảnh báo con đang bị căng thẳng. Đối với trẻ nhỏ, kể cả những sự việc bình thường trong cuộc sống (chuyển nhà hay có thêm em) cũng có thể khiến trẻ cảm thấy cả thế giới đang bị đảo lộn. Việc cha mẹ ly dị có thể làm trẻ cảm thấy chới với như cây non bị bật hết gốc rễ. Người thân lâm trọng bệnh có thể ám ảnh tinh thần của con. Và nội dung cuối cùng của cuốn sách sẽ đưa ra một số lời khuyên cho cha mẹ trong việc giảm bớt gánh nặng trên vai con trẻ, đồng thời duy trì trạng thái bình thường cho phép con cảm thấy an toàn khi phải đối mặt với biến cố lớn đó.

Con trẻ mang gen và trông giống chúng ta nhưng thực tế chúng là những con người hoàn toàn độc lập. Điều này lý giải cho tính khí, lối suy nghĩ cũng như các hành vi không mong muốn luôn có thể xuất hiện ở con. Điều cần làm khi đó là đồng hành cùng con trong cuộc sống. Sự ảnh hưởng của cha mẹ sẽ thấm sâu vào tận cốt lõi việc con là ai và đang trở thành người như thế nào. Bằng cách đầu tư đáng kể thời gian và có những chiến lược hiệu quả ngay từ bây giờ, phụ huynh có thể giúp con xây dựng những thói quen và hành vi tích cực ngay từ nhỏ.

Điều cha mẹ cần làm là đồng hành cùng con trong cuộc sống. Sự ảnh hưởng của cha mẹ sẽ thấm sâu vào tận cốt lõi việc con là ai và đang trở thành người như thế nào. Bằng cách đầu tư đáng kể thời gian và có những chiến lược hiệu quả ngay từ bây giờ, cha mẹ có thể giúp con xây dựng những thói quen và hành vi tích cực ngay từ nhỏ. Cuốn sách "Kỷ luật không nước mắt" như một cẩm nang dùng tình thương để uốn nắn trẻ em thay vì dùng bạo lực mà người lớn nên đọc.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh