THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:34

Kỳ lạ chuyện “lâm tặc” trả nợ cho…rừng

 

Rừng bị tàn phá kinh hoàng

Xã Thái Thủy được nhiều người biết đến là một trong số những nơi có số lượng lâm tặc đứng đầu tỉnh Quảng Bình. Là vùng đất bán sơn địa, bao quanh là đồi núi đất đỏ bazan khô cằn, người dân nhờ  vào rừng  để kiếm sống. Toàn xã có 5.580 ha diện tích đất tự nhiên, phần lớn là đất đồi núi khô cằn không thích hợp cho việc trồng lúa. Có 1.192 hộ, với 5.500 nhân khẩu, do đất đai không phù hợp với việc trồng lúa nên đời sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, là một trong bốn xã đặc biệt khó khăn thuộc diện hổ trợ Chương trình 135 của Chính phủ.

Cổng làng thôn Minh Tiến, một trong những thôn có phong trào trồng rừng dẫn đầu xã Thái Thủy.

 Cuộc sống của người dân khổ cực, sống trên mảnh đất không được thiên nhiên ưu đãi, đất đai khô cằn sỏi đá không phù hợp với việc canh tác nông nghiệp. “Đói ăn vụng túng làm liều” đó là lý do dẫn đến tình trạng cả xã hầu hết ai cũng lên rừng đốn gỗ, bán đổi lấy miếng cơm manh áo và xã nổi tiếng khắp tỉnh về độ tàn phá rừng.

Trước đây, khi khai thác rừng, người dân không kể cây lớn, cây bé…đều chặt phá khiến cho hàng ngàn ha rừng nhanh chóng trơ trọi, trong đó có một số cánh rừng nguyên sinh bị tiêu diệt trắng. Bình quân mỗi ngày có khoảng 1 ha rừng bị chặt phá. Người dân ở đây đi phá rừng không phải để làm giàu mà là vì miếng ăn hằng ngày nên khi bị lực lượng kiểm lâm, chủ rừng truy quét, họ chống đối rất quyết liệt.

Ông Phạm Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết: “Thái Thủy là một xã miền núi nghèo của huyện Lệ Thủy. Trước đây, do thiếu đất canh tác, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy miếng cơm manh áo của người dân trong toàn xã đều nhờ lên rừng đốn gỗ về bán lo cho cuộc sống gia đình. Biết là sai với chủ trương, đường lối của nhà nước, nhưng không còn cách nào khác người dân đành phải làm liều”.

Khai thác rừng kinh hoàng như vậy mà đời sống của người dân vẫn không được cải thiện là bao, chỉ làm giàu cho một số đầu nậu gỗ từ các vùng khác đến thu mua, đúng là “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, có nhiều người vào rừng bị ngã nước, sốt rét ác tính đành nằm lại với rừng xanh lạnh lẽo.

Lâm tặc trồng…rừng

Khi quay lại đây chúng tôi đã có một bất ngờ rất lớn, những đồi núi trước đây bị chặt cho cằn cỗi, trơ trọi…thì nay đã được phủ lên một màu xanh, bởi các loại cây như tràm, keo, bạch đàn…kinh ngạc hơn chủ nhân của những cánh rừng này trước đây lại là những lâm tặc khét tiếng trong vùng. Đúng là không ai có thể nghĩ được rằng, chuyện phá rừng ở xã Thái Thủy có ngày lại chấm dứt, và đáng vui hơn chính những lâm tặc trước đây chỉ chuyên đốn hạ rừng, nay lại trở thành những “vua trồng rừng”.

Đồi trọc nay được phủ một màu xanh.

Nhận thấy rừng ngày càng bị khai thác cạn kiệt, làm cách nào cũng không ngăn cản được nhân dân, vì dân nhờ rừng mà sống. Chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Bình đã tìm phương cách nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối do nạn phá rừng gây ra, đồng thời giải thoát  cảnh sống nghèo khổ cho người dân. Biết được, dân ở đây chỉ có rừng mới nuôi sống được họ, vì thế chính quyền đã tìm mọi cách tuyên truyền, vận động lâm tặc về trồng rừng, bám rừng mưu sinh.

Ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: “Chúng tôi thấy người dân khai thác rừng bừa bãi, chặt phá tràn lan, khiến những quả đồi trước đây bạt ngàn là thế chỉ vài năm đã trơ trụi. Trăn trở ngày đêm, tìm mọi biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con. May mắn đã đến, kể từ khi có dự án trồng rừng Việt – Đức, nạn phá rừng mới được giải quyết một cách triệt để, đời sống nhân dân ngày một khá hơn”.

Được sự vận động của chính quyền địa phương, từ khi có dự án trồng rừng Việt – Đức, người dân đã cùng nhau khai hoang những vùng đồi trọc, đất hoang biến nó thành đất trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như keo, tràm… Sau khi cho thu hoạch, mọi nguyên liệu trên được dự án mua lại trả tiền cho dân, trừ đi chi phí mà dự án đã chi ra ban đầu, người dân còn dư ra một số vốn để tiếp tục phát triển.

Anh Trần Văn Trạng trước đây từng là lâm tặc cầm đầu nhóm khoảng  20 người, nay được mệnh danh là “Vua trồng rừng”, với diện tích trồng lên đến 30 ha chia sẻ: “ Trước đây tôi vào rừng khai thác gỗ, làm cả mấy chục năm, nhưng có tích góp được đồng nào mô. May nhờ được sự vận động của chính quyền địa phương, kể từ khi có dự án trồng rừng về, gia đình tôi mới thoát khỏi cảnh nghèo. Trước đó, khi tôi lên đồi khai hoang để trồng rừng, mấy người trong xã ai cũng cười. Nhưng từ khi tôi trồng rừng thuận lợi, có thu nhập, nhiều người lại bắt chước làm theo. Với 30ha rừng đang trồng, nếu thời tiết thuận lợi, thì sau 5 năm trừ đi tất cả chi phí như thuê nhân công, phân bón thì gia đình tôi có thể thu về ít nhất là 1 tỷ đồng".

Ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy.

Hiện nay, toàn xã Thái Thủy có 3.700 ha rừng trồng. Ngoài trồng rừng, các hộ dân nơi đây còn được hướng dẫn trồng cây Nén, một sào Nén thu hoạch đem về thu nhập cho bà con khoảng 15 – 20 triệu đồng. Có được kết quả như ngày hôm nay, đó chính là nhờ vào sự đồng thuận của chính quyền địa phương lẫn người dân.

Diện tích trồng rừng ở xã Thái Thủy ngày một tăng lên, nhà nào ít cũng có vài ba héc ta rừng trồng. Điển hình như nhà ông Võ Công Xướng (thôn Nam Thái) và nhà ông Lê Văn Thế (thôn Minh Tiến) có tới trên 50 ha rừng trồng. Điều đáng nói cả ông Xướng và ông Thế trước đây đều là những lâm tặc có tiếng.

Trên mảnh đất xưa kia chỉ là đất trống, đồi trọc, cằn cỗi thì giờ đây đã được phủ một màu xanh bạt ngàn, màu xanh của hy vọng đổi mới trên quê hương nghèo. Đây cũng là thông điệp chúng tôi muốn gửi tới những người đã và đang phá rừng: Hãy học tập xã Thái Thủy, để chuộc lại một phần nào lỗi lầm của mình, đồng thời trồng rừng cũng giúp ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Bảo Nam

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh