THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:11

Xây dựng mô hình nuôi hàu trên sông Nhật Lệ

 

Hàu đang bị khai thác bày bán tràn lan.

Những năm 90 (thế kỷ XX), đáy sông Nhật Lệ là “kho báu” về hàu. Người lặn hàu không phải dùng búa, mũi de đục lấy từng con như bây giờ. Cách khai thác hàu lúc bấy giờ là xúc, mỗi lần xúc là hàu vào rào rào. Xúc thủ công không xuể, người ta nghĩ ra cách đóng lưới vào khung sắt rồi cột vào ghe, nổ máy cho ghe chạy, chỉ vài lượt là ghe nào cũng khẳm be. Mỗi ngày thu hoạch khoảng 200 bao (50kg/bao). Ngày nay con hàu đã thành đặc sản có giá trị cao nên ai cũng muốn săn lùng. Bị đánh bắt vô tội vạ, kéo theo biến đổi khí hậu, do những công trình thủy lợi lớn ở thượng lưu sông đã khiến cho hàu không thể sinh sống và phát triển được như trước nữa.

Anh Hùng, một người dân khai thác hàu cho biết: "Trước đây khi hàu còn nhiều, đánh bắt cũng đủ nuôi sống gia đình tôi. Giờ đây hàu đã bị khai thác cạn kiệt, gia đình tôi cũng khó khăn theo, không biết bám, víu vào đâu để sống”. Chính vì khai thác không hợp lý mà những hộ dân quanh năm sống trên sông nước đang phải tự mình gánh lấy hậu quả, khi mà cái “cần câu cơm” đang dần biến mất trước mắt họ.

Do đánh bắt tận diệt, không có phướng án gây, nuôi giống hàu nên người dân đã phải trả giá đắt. Khí trên sông không còn nhiều hàu, khó đánh bắt họ phải chuyển đến các chân núi, chân cầu, bờ đá ven đầm để tìm kiếm những con hàu còn sót lại bán kiếm ít tiền trang trãi cho cuộc sống. Nhưng những năm gần đây khi hàu đã thực sự cạn kiệt, đánh bắt không được là bao, những hộ dân bám vào nghề lặn hàu cuối cùng cũng đá bỏ nghề. Không biết làm nghề gì, khiến cho cuộc sống  của họ bị đảo lộn,  điêu đứng.

Trước thực trạng trên, năm 2011, Phòng NN&PTNT huyện Quảng Ninh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 3(Nha Trang)đã cho thử nghiệm mô hình nuôi hàu để phổ biến cho những hộ dân từng sống bằng nghề khai thác hàu ở địa phương. Nếu  mô hình này thành công sẽ cho nhân rộng trên địa bàn.

Anh Võ Đại Thắng đang chăm sóc hàu 

Bước đầu thực hiện nuôi hàu gặp rất nhiều khó khăn, năm 2011, Phòng NN&PTNT cho thử nghiệm giống hàu đại dương từ Nha Trang đưa ra, nhưng không thành công. do môi trường nước thay đổi, ở trong kia đầm, phá, gắn với biển nên có độ mặn cao hàu đại dương phát triển rất tốt, nhưng khi cho thả ở vùng nước lợ, hàu phát triển kém, bị chết nhiều. Không nản chí, Phòng đã xin hổ trợ kinh phí của huyện tiếp tục nuôi thử giống hàu địa phương, nhằm bảo tồn bằng được loài hàu. Bằng mọi hình thức khác nhau cuối cùng cũng cho kết quả khả quan.

Ông Nguyễn Xuân Kỷ, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi đã cho thử nghiệm nhiều phương thức khác nhau, phương thức nào tốt nhất sẻ phổ biến cho bà con nhân rộng mô hình. Phương thức thứ nhất, thả bằng đá để cho hàu bám. Thứ hai, thả ngói lợp xi măng cho hàu bám. Thứ ba, cho hàu vào khay nhựa thả xuống đáy sông. Thứ tư, thả tre xuống cho hàu bám. Thứ năm, thả tự nhiên. Bước đầu chúng tôi nhận thấy, phướng thức thả hàu xuống đá và thả tự nhiên là thích hợp nhất, thấy hàu phát triển nhanh. Nếu làm tốt, chúng tôi sẻ cho nhân rộng chủ yếu theo hướng bảo tồn”.

Hiện nay có 3 hộ nuôi thử nghiệm hàu, gồm hộ anh Võ Đại Thắng, anh Lê Xuân Đán và anh Võ sỹ Mười. Bước đầu hàu nuôi thử nghiệm phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch.

“Trước đây tôi  chỉ biết đánh bắt, giờ chính tay mình lại nuôi hàu thử nghiệm hàu, tôi cảm thấy rất vui, hiện nhà tôi nuôi 15 lồng. Nuôi hàu cũng không khó, vài ngày vệ sinh một lần, chỉ cần lấy chổi quét qua lồng là được, nên thời gian bỏ vào đó ít” -  Anh Võ Đại Thắng tâm sự .

Hàu địa phương ít kinh phí, lại dể nuôi. Nếu nuôi giống nhỏ khoảng 5 tháng, giống to 3- 4 tháng có thể cho thu hoạch. Gía hàu trên thị trường 80- 100 ngàn đồng/1kg đã bóc vỏ. Chính vì cho thu nhập cao, thời gian bỏ ra lại ít, nên việc nuôi và nhân rộng giống hàu hiện rất khả quan. Như vậy việc nuôi hàu vừa bảo tồn được giống hàu, vừa có được công ăn việc làm cho người dân, nhen nhúm hy vọng về cuộc sống ngày mai tươi đẹp cho người dân xóm hàu.

Bảo Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh