CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:19

Ký kết hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng đi học tập và làm việc tại Đức

 

Tham dự Lễ ký kết có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam Jutta Frasch cùng đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị liên quan.

 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa và bà Jutta Frasch - Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam tại lễ ký kết (Ảnh Anh Tuấn)

 

Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã hợp tác với Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang nước Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện dự án thí điểm tuyển chọn ứng viên điều dưỡng Việt Nam để đưa sang học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức trong lĩnh vực chăm sóc người già từ năm 2012. Hiện đã có 100 ứng viên được đưa sang CHLB Đức học tập và sẽ tốt nghiệp để đi làm việc trong tháng 10 năm 2015, đồng thời có 125 ứng viên khác đã được tuyển chọn, đang học tiếng Đức tại Việt Nam để đưa sang học tập chuyên môn tại CHLB Đức vào cuối năm nay.

Sau thời gian thực hiện thí điểm chương trình, hai nước  thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác tuyển chọn ứng viên Việt Nam để đào tạo và làm việc trong ngành chăm sóc người già tại CHLB Đức theo các nguyên tắc: Ứng viên được đưa sang học tập và làm việc tại CHLB Đức không phải chịu các chi phí môi giới đào tạo và môi giới việc làm; Các tổ chức hai nước hợp tác đưa ứng viên sang học tập và làm việc tại CHLB Đức phải tổ chức khóa học chuẩn bị cho học viên tại Việt Nam để học viên đạt trình độ tiếng Đức B2 trước khi sang học tập tại CHLB Đức; Các cơ sở tuyển chọn học viên tại Đức phải chịu các chi phí nhập cảnh và đài thọ học bổng đủ để học viên sinh hoạt và học tập tại CHLB Đức phù hợp với quy định của pháp luật Đức.

 

 

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hoà đánh giá cao sự hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức trong lĩnh vực lao động. Thứ trưởng khẳng định, việc ký Ý định thư sẽ góp phần đẩy mạnh việc đưa ứng viên điều dưỡng Việt Nam sang học tập và làm việc trong ngành chăm sóc người già tại CHLB Đức. Đồng thời, qua đó tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của hai bên trong việc quản lý các hoạt động tuyển chọn phái cử người lao động Việt Nam sang học tập và làm việc tại CHLB Đức.

 

NỘI DUNG Ý ĐỊNH THƯ

Ý định thư chung giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt  Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang nước Cộng hòa Liên bang Đức về những nguyên tắc cơ bản trong tuyển chọn học viên một cách công bằng để đào tạo trong ngành chăm sóc người già tại Cộng hòa Liên bang Đức

Từ kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc thực hiện dự án thí điểm tuyển chọn học viên Việt Nam đào tạo trong ngành điều dưỡng chăm sóc người già tại Đức, Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang nước Cộng hòa Liên bang Đức và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nước Cộng hòa  xã  hội chủ  nghĩa Việt  Nam thống nhất quan điểm sẽ tiếp tục hợp tác theo tinh thần Ý định thư này. Khi tuyển chọn học viên để đào tạo trong ngành chăm sóc người già, những dự án trong lĩnh vực chăm sóc người già được triển khai trong tương lai cần chú ý những nguyên tắc sau:

  1. Hai bên thống nhất quan điểm rằng, sau khi kết thúc thành công dự án thí điểm, việc hợp tác tuyển chọn học viên cho ngành điều dưỡng chăm sóc người già trong tương lai nên được chuyển giao cho các cơ quan khác theo đúng tinh thần dự án thí điểm. Những cơ quan được chuyển giao sẽ là đầu mối liên hệ với các cơ sở của Đức và Việt Nam để triển khai các dự án hợp tác. Về phía Việt Nam, Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB) là cơ quan quản lý và Trung tâm lao động ngoài nước (COLAB) là cơ quan thực hiện các dự án hợp tác. Về phía Đức, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) là đầu mối liên hệ để hợp tác trong tuyển chọn ứng viên từ Việt Nam sang đào tạo trong ngành điều dưỡng viên chăm sóc người già tại Đức.
  2. Hai bên mong muốn tất cả các cơ quan, tổ chức tham gia  tư vấn, đào tạo và giới thiệu sẽ thực hiện việc tuyển chọn học viên để đào tạo trong ngành điều dưỡng một cách công bằng và minh bạch. Hai bên sẽ sẵn sàng hỗ trợ để chỉ triển khai những dự án hợp tác tuyển chọn học viên để đào tạo trong ngành chăm sóc người già đáp ứng những nguyên tắc cơ bản của Ý định thư chung này.
  3. Để chuẩn bị cho khóa đào tạo ở Đức, các học viên cần phải có chứng chỉ tiếng Đức bậc B2 do Viện Gothe cấp và hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết do các cơ quan đối tác tổ chức.
  4. Phía Đức lưu ý rằng, theo Điều 296 quyển thứ 3 Bộ Luật Xã hội Đức không được thu hoặc nhận tiền công môi giới đào tạo từ học viên Việt Nam. Chỉ có thể yêu cầu chủ sử dụng lao động chi trả chi phí này. Phía Việt Nam ủng hộ nguyên tắc này. Hai bên sẽ nỗ lực yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức tham gia tư vấn, đào tạo và giới thiệu học viên tại Việt Nam không được phép thu hoặc nhận phí tư vấn, tuyển chọn và giới thiệu học viên. Bên phía Việt nam chỉ COLAB được thu một khoản phí hành chính để bù vào các khoản chi phí quản lý phát sinh bên phía Việt Nam và chi phí tổ chức khóa học bồi dưỡng kiến thức, tuy nhiên mức phí thu một lần này không vượt quá 300 Euro/học viên.
  5. Các cơ sở đào tạo của Đức tiếp nhận học  viên cần phải:

-       Chịu mọi chi phí cần thiết để học viên nhập cảnh vào Đức (trong đó bao gồm cả chi phí kiểm tra sức khỏe, lệ phí thị thực, tiền vé máy bay và tầu xe đi lại). Học viên được nhận một khoản học bổng trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Khoản học bổng này cần phải bảo đảm đủ để học viên trang trải chi phí sinh hoạt mà không cần hỗ trợ của nhà nước. Để bảo đảm sinh hoạt cho học viên, bên cạnh khoản học bổng, cơ sở đào tạo có thể hỗ trợ tiền thuê nhà và học viên không phải hoàn lại khoản hỗ trợ đó, nếu điều đó được thỏa thuận thêm trong hợp đồng đào tạo.

-       Chịu một phần hoặc toàn bộ chi phí học tiếng Đức nếu điều đó được COLAB và cơ sở đào tạo của Đức thỏa thuận trước khi bắt đầu khóa học tiếng Đức.

6. Các cơ quan của Việt Nam, Đức và cơ sở đào tạo của Đức sẽ cùng phối hợp tuyển chọn học viên để tham gia khóa học chuẩn bị.

7. Cơ sở đào tạo của Đức và cơ quan, tổ chức được phía Việt Nam giao thực hiện các dự án hợp tác sẽ thống nhất cách thức và địa điểm thực hiện khóa chuẩn bị và khóa học tiếng Đức.

8. Sau khi kết thúc khóa chuẩn bị, cơ sở đào tạo của Đức sẽ lựa chọn học viên để tham gia khóa đào tạo tại Cộng hòa Liên bang Đức.

9Trong thời gian đào tạo tại Cộng hòa Liên bang Đức, nếu chấm dứt đào tạo trước thời hạn do nguyên nhân từ phía học viên Việt Nam, thì học viên phải chịu chi phí về nước.

10. Việc đánh giá quá trình thực hiện Ý định thư này sẽ được tiến hành định kỳ cuối năm thông qua các cuộc họp giữa Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Các cơ quan được giao thực hiện dự án gồm COLAB và GIZ cũng tham gia các cuộc họp này. Trong quá trình thực hiện các dự án hợp tác hoặc Ý định thư này, nếu có vấn đề phát sinh, hai bên sẽ cùng thảo luận giải quyết.

11. Hai bên thống nhất Ý định thư này cũng là cơ sở để thực hiện các dự án  hợp tác tuyển chọn ứng viên một cách công bằng và minh bạch để đào tạo trong các ngành nghề điều dưỡng khác.

Huyền Minh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh