153 điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản
- Bài thuốc hay
- 16:10 - 26/05/2015
Theo ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, triển khai Hiệp định đối tác kinh tế được ký kết bởi Chính phủ hai nước Việt Nam- Nhật Bản, trong đó có nội dung di chuyển thể nhân, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp cùng Đại sứ Quán Nhật Bản tại Việt Nam, cơ quan đào tạo Arc Academy tổ chức tuyển chọn được 3 khóa với tổng số 510 ứng viên để đưa vào đào tạo trước khi đưa sang Nhật Bản làm việc.
Về phía cơ quan đào tạo Arc Academy đã có rất nhiều nỗ lực để chuyển tải cho các em ứng viên những kiến thức cần thiết nhất với mục tiêu là khi hoàn thành khóa học, ứng viên có thể đạt được trình độ tiếng Nhật N3 trở lên và nhanh chóng hòa nhập được với cuộc sống sau khi đến Nhật Bản.
Các ứng viên hộ lý, điều dưỡng Việt Nam học tiếng Nhật tại Trung tâm Arc Academy.
Ông Tống Hải Nam cho biết: “Sau một năm học tập và rèn luyện, với sự hỗ trợ của các tổ chức có liên quan của Việt Nam và Nhật Bản, cùng với sự cố gắng và nỗ lực của các ứng viên, 153 em đã hoàn thành khóa đào tạo tiếng Nhật, thi đỗ được chứng chỉ N3 và hoàn tất được các thủ tục cần thiết để sang Nhật học tập và làm việc.
Song chặng đường phía trước sẽ còn rất nhiều trở ngại khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng rất nhiều của các em, nhưng tôi tin tưởng rằng với sự quyết tâm, các em ứng viên sẽ vượt qua và đạt được mục tiêu cao nhất của chương trình đề ra là thi đỗ chứng chỉ điều dưỡng, hộ lý quốc gia của Nhật Bản.
Người Nhật rất nghiêm túc trong công việc nên ngoài tay nghề, chăm chỉ làm việc, các ứng viên phải hiểu được phong tục, tập quán để hòa nhập vào xã hội Nhật Bản. 153 ứng viên lần này đều được đánh giá cao về trình độ, năng lực và chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu của phía bạn”.
Đánh giá về chất lượng học viên khóa 2, đại diện Trung tâm đào tạo tiếng Nhật Arc Academy (đơn vị đào tạo tiếng Nhật cho Chương trình) cho biết: Kết quả học tập và kỳ thi vừa qua cho thấy, các ứng viên Việt Nam có khả năng tiếp thu và học tập tiếng Nhật cũng như văn hóa Nhật Bản rất tốt. Việc sử dụng tốt ngoại ngữ sẽ giúp ích cho các ứng viên rất nhiều trong môi trường làm việc tại Nhật.
Cũng theo ông Nam, 138 ứng viên khóa 1 sau khi nhập cảnh ngày 6/6/2014 đã có nhiều cố gắng để tiếp thu những kiến thức chuyên môn và rất nỗ lực trong công việc. Các cơ sở tiếp nhận điều dưỡng, hộ lý của nước bạn đều hài lòng và đánh giá cao tinh thần làm việc cũng như khả năng của các ứng viên Việt Nam.
Vừa qua, trong kỳ thi lấy chứng chỉ điều dưỡng quốc gia của Nhật Bản (tháng 3/2015) đã có ứng điều dưỡng viên của Việt Nam thi đỗ, mặc dù thời gian đến Nhật Bản của họ mới được 9 tháng. Có thể nói đây là thành tích đáng khích lệ trong việc thực hiện chương trình. Ông Nam cũng hi vọng, với sự hợp tác chặt chẽ của các bên, trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được đào tạo và đưa sang làm việc ở Nhật Bản.
Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, thu nhập điều dưỡng viên khoảng 130.000-140.000 yen/tháng; hộ lý 140.000-150.000 yên/tháng (tương đương 35-40 triệu đồng). Ngoài mức lương trên, ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc, hưởng các phụ cấp chế độ theo luật Nhật Bản.
138 ứng viên sang Nhật Bản vừa học, vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi chứng chỉ quốc gia mỗi năm một lần; ứng viên hộ lý được dự thi chứng chỉ quốc gia một lần vào năm thứ 4, sau khi đã làm công việc hộ lý trên 3 năm tại Nhật Bản. Nếu đỗ, các ứng viên này sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn.
Hiện Việt Nam là nước thứ ba sau Philippines và Indonesia, chính thức có thỏa thuận hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng và hộ lý sang làm việc và học tập tại Nhật Bản. Đây là cơ hội cho các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam được huấn luyện trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao trình độ trong thời gian làm việc tại Nhật Bản và có thể sử dụng kiến thức, kinh nghiệm hữu ích khi trở về làm việc trong nước.
Ngoài thị trường Nhật Bản, Việt Nam cũng đã có chương trình ký kết đưa điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại CHLB Đức. Song, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển trong tương lai, cần phải có một kế hoạch dài hạn trong việc đưa lao động chất lượng cao, nhất là lao động ngành y đi làm việc ở nước ngoài.
Như vậy, hệ thống các trường cùng với việc đào tạo phải đáp ứng được chuyên môn, hệ thống đào tạo cũng phải có thêm các chuyên ngành ngoại ngữ phù hợp để các học viên có thể lựa chọn ngay trong nhà trường...