Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội: Họp tập trung, khai mạc ngày 23/5 tới
- Tây Y
- 08:18 - 27/04/2022
- ĐB Quốc hội: Tin tưởng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục tạo được nhiều dấu ấn trong nhiệm kỳ mới
- ĐB Quốc hội: Xu hướng ngược, lo người đi học nghề nhiều, trong khi giáo dục nghề nghiệp là vấn đề toàn cầu
- Chủ tịch nước: Phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết lao động phục vụ tăng trưởng
- Chủ tịch Quốc hội: Các gói an sinh xã hội được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm rất tốt, rất hiệu quả
- Chủ tịch Quốc hội: Có những ngày họp từ 10h đêm đến 1h sáng để có những quyết sách cần thiết, kịp thời
- Không khuyến khích doanh nghiệp lập cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi vì Covid -19, mong muốn nhất cho các cháu là có gia đình
- Đại biểu Quốc hội "chấm điểm" Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thẳng thắn, trách nhiệm, với những vấn đề “nóng” không né tránh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, khai mạc vào ngày 23/5/2022 và dự kiến bế mạc vào ngày 17/6/2022. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Đây là thông tin vừa được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi thông báo trên đến tất cả các đại biểu Quốc hội.
Ông Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 3, trong đó, đề nghị Quốc hội cho phép rút dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ra khỏi dự kiến chương trình Kỳ họp do còn một số vấn đề lớn cần có ý kiến chỉ đạo định hướng của cấp có thẩm quyền và để có thêm thời gian chuẩn bị.
Đồng thời bổ sung 3 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp: Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Đối với một số nội dung khác Chính phủ mới đề nghị bổ sung, hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu thẩm tra, sau khi có ý kiến thẩm tra chính thức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 3.
Để Kỳ họp đạt kết quả tốt, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sớm gửi phiếu chất vấn, đề xuất vấn đề chất vấn để có cơ sở lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội.
Theo nội dung kỳ họp thứ 3 gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết. Gồm Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.
6 dự án luật được cho ý kiến lần đầu gồm Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bên cạnh các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát theo thông lệ, Quốc hội còn xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Xem xét báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ nằm trong Nghị quyết chung của kỳ họp.
Về chương trình kỳ họp: Tiếp tục rà soát, bố trí thời gian cho từng nội dung một cách phù hợp; bố trí thêm thời gian trình bày một số báo cáo để bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin (báo cáo về giám sát chuyên đề từ 40-45 phút, tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng, luật, pháp lệnh khoảng 20 phút);
Giảm thời gian thảo luận Báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội; Bố trí thứ tự các nội dung cho hợp lý, ưu tiên bố trí các nội dung trình thông qua được xem xét thảo luận trước;
Có thể sử dụng các hình thức thuyết minh, thuyết trình đa dạng với tinh thần cần tiết kiệm tối đa thời gian nhưng vẫn nâng cao được chất lượng kỳ họp.
Đặc biệt, lưu ý tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan, lơ là; chú trọng công tác thông tin, truyền thông, an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn cho kỳ họp và các nội dung bảo đảm khác. Về khách mời, sẽ thực hiện như các kỳ họp tập trung trước đây.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp này, hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện kết luận của phiên họp.