THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:58

Chủ tịch nước: Phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết lao động phục vụ tăng trưởng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại tổ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thảo luận tại tổ.

Chiều ngày 4/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Lao động việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, có kết quả cụ thể

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hiện sức cầu của nền kinh tế còn yếu, vì vậy chúng ta phải tăng tổng cầu, nhất là những khu vực ảnh hưởng bị dịch bệnh, những đối tượng hỗ trợ gặp khó khăn, nhất là người nghèo, công nhân.

Chủ tịch nước đồng ý với đề xuất trong tờ trình về tăng bội chi, vay quỹ dự trữ nguồn hối, phát hành trái phiếu, hỗ trợ thuê tiền nhà trọ cho người lao động, giảm thuế, phí, giảm trừ thu nhập chịu thuế cho doanh nghiệp, đặc biệt là bố trí vốn NSNN, tăng vốn điều lệ...  

Chủ tịch nước cho rằng, so với các nước, gói hỗ trợ tài khóa của nước ta còn rất nhỏ nhưng gói hỗ trợ này là mức tối thiểu cần thiết. "Chúng ta không phải quá lo lạm phát mà không có gói hỗ trợ. Nếu gói hỗ trợ lớn hơn thì cần phải kiểm soát tốt hơn"- ông Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu trong quá trình tài trợ gói tài khóa, tiền tệ, để hỗ trợ Chương trình phát triển kinh tế xã hội phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả lượng và chất, năng suất lao động, những giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tốt hơn, mạnh hơn.

Đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, có kết quả cụ thể.

Chủ tịch nước cũng đề nghị cần thực sự đặt trọng tâm ưu tiên hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế chính sách và tăng nguồn lực đầu tư lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Cần có chính sách đột phá cho khoa học công nghệ. Bởi hiện nay mức chi cho KHCN của Việt Nam chỉ 0,5% GDP trong khi nhiều nước ở mức từ 2-4% GDP.

“Tôi rất mong trong chính sách đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chúng ta phải tính toán để một quốc gia khởi nghiệp thực sự trong phát triển”- Chủ tịch nước chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ

Quan trọng là đưa vốn vào đâu để giải ngân được ngay

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, gói hỗ trợ quy mô phải đủ lớn. Theo ông, quy mô gói này theo giá trị thực tế khoảng 4,28% GDP nên không nhỏ, thời gian thực hiện trong 2 năm cũng đủ dài. Quan trọng là đưa vốn vào đâu để giải ngân được ngay, tạo ra hiệu quả cho nền kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, gói tài khóa, tiền tệ lần này có gần 350 nghìn tỷ đồng, là gói chính sách bổ sung, nằm ngoài khung khổ đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 được Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV.

"Khung khổ quyết định rồi, giờ ngoài khung khổ tăng thêm thì rõ ràng có rủi ro, nên cần thận trọng, vì quyết định không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với sự phát triển của đất nước, với dân vì suy cho cùng đó là tiền thuế của dân", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cho rằng rủi ro chính sách là có, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phải phân bổ nguồn lực cho đúng, trúng, sử dụng hiệu quả, khả thi, có tính lan toả cao. Thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, nếu không bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp nữa.

Ông đồng ý với các ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị cần bảo đảm cân đối hơn nữa các chính sách dành cho lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội, tính toán đến vấn đề lao động, lao động phi chính thức, khôi phục cơ cấu, thị trường lao động, nâng cao chất lượng lao động hay vừa bảo đảm xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt vừa bảo đảm các vấn đề phát triển lâu dài và phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong quá trình Quốc hội thảo luận, các cơ quan tiếp tục rà soát thêm, với mong muốn làm sao để cân đối hơn nữa giữa Kinh tế và Xã hội trong tổng thể Chương trình.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập đến việc đánh thuế theo tỷ lệ % trên giao dịch chứng khoán để hỗ trợ cho nền kinh tế. Bởi hiện nay, chứng khoán tăng trưởng rất mạnh, rất lớn, rất lớn. “Đây cũng là điều tiết thị trường không để nóng quá”, ông nói. Theo ông, nếu giao dịch chứng khoán thực sự tạo ra nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thì không sao nhưng nếu là đầu cơ thì lại không lành mạnh.

3

Bên cạnh chứng khoán thì bất động sản thế nào? Chủ tịch Quốc hội nói, đấu giá 1m2 đất ở Thủ Thiêm mà 2,4 tỷ thì “chưa bao giờ có chuyện này”. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường không, còn nếu bình thường thì không sao.

“Trước khi tung ra gói mới thì phải củng cố vĩ mô, những gì có dấu hiệu thiếu bền vững thì phải tính toán kỹ trước”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Bảo đảm an sinh xã hội là quan trọng nhất

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường trong bối cảnh hiện nay để bàn vấn các vấn đề quan trọng, cấp bách là rất “đúng - trúng, và rất kịp thời”.

Nhất là với các mục tiêu đề ra, như trong phát biểu khai mạc sáng nay của Chủ tịch Quốc hội đã đề cập, Bộ trưởng tin tưởng, “Chương trình có sức lan tỏa lớn, tạo sức bật mới, giải quyết các bước đột phá làm nền tảng cho sự phát triển”.

Tán thành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phải có quy mô đủ lớn và thời gian triển khai là 2 năm, tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp - sau đó là giai đoạn ổn định - phát triển, ông nhấn mạnh: “Chương trình cơ bản đồng bộ, tương đối toàn diện, và quy mô như thế này tôi cho cơ bản phù hợp”.

Đánh giá cao việc Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết cùng với những mục tiêu và các nhóm giải pháp cụ thể, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) vẫn băn khoăn vì mục tiêu phòng, chống dịch trong dự thảo còn khá mơ hồ, trong khi việc xác định thời điểm dịch Covid-19 chấm dứt hoàn toàn là rất khó.

“Nếu không chống dịch thành công thì hệ thống y tế bị tổn hại nghiêm trọng, tác động đến phục hồi kinh tế và an sinh xã hội. Vì thế, chống dịch vẫn phải là mục tiêu số một trong chương trình này. Trong đó, việc bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là quan trọng nhất”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho cả đất nước, vì vậy, việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế là cần thiết. Nhận định dự thảo về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trình lần này khá bài bản, đi đúng hướng, có cơ sở, nhưng đại biểu cho rằng cần có lộ trình thực hiện cụ thể hơn.

“Trong 5 gói giải pháp, phải có đánh giá tác động và chia ra làm hai kỳ là phục hồi và tăng trưởng. Phục hồi khỏe rồi mới đến kỳ tăng trưởng, trong đó, giai đoạn phục hồi có thể phải mất 1,5-2 năm trong bối cảnh xuất hiện biến chủng Omicron”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Thanh Nhung - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh