Không khuyến khích doanh nghiệp lập cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi vì Covid -19, mong muốn nhất cho các cháu là có gia đình
- Tây Y
- 06:47 - 22/10/2021
- Chủ tịch Quốc hội: Các gói an sinh xã hội được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm rất tốt, rất hiệu quả
- Bộ LĐ-TB&XH tích cực, nghiêm túc giải quyết và trả lời các kiến nghị, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri
- ĐB Quốc hội: Tin tưởng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục tạo được nhiều dấu ấn trong nhiệm kỳ mới
- Đại dịch đang "ngấm" sâu vào từng người lao động, triển khai gói hỗ trợ an sinh mới là quyết sách hợp lòng dân
Tại phiên thảo luận của Quốc hội tại tổ ngày 21/10 về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã thông tin về chính sách hỗ trợ 2.580 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã khiến cho 2.580 trẻ em bị rơi vào cảnh mồ côi. Theo số liệu thống kê, trong số đó có 2.500 em là mồ cha hoặc mẹ, còn lại 80 cháu là mất cả cha lẫn mẹ.
Cảm thông trước tình cảnh của những trẻ em thiếu may mắn, nhiều doanh nghiệp thể hiện mong muốn bảo trợ các cháu “với tấm lòng tốt, trong sáng, muốn thành lập các cơ sở nuôi dưỡng riêng”, ông Dung nói, điều này rất hoan nghênh nhưng không khuyến khích, mà điều mong muốn trước tiên và lớn nhất cho các cháu, là người thân của gia đình sẽ nuôi dưỡng. Vì gia đình là tất cả đối với các cháu.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các cháu không còn bố mẹ thì còn ông bà, người thân, không nữa thì có trách nhiệm Nhà nước - có các chị phụ nữ, “gia đình mái ấm”… cuối cùng không thể nữa thì các cháu mới vào các cơ sở bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, ông cũng cho biết có một số tổ chức quốc tế xin đỡ đầu toàn bộ 80 cháu mất cả cha lẫn mẹ do đại dịch. Tuy nhiên, bản thân ông Dung cho biết ông không đồng ý với việc này. "Quan điểm của chúng tôi là rất khuyến khích các tổ chức quốc tế hỗ trợ vật chất, tiền bạc cho các cháu, Nhà nước đứng ra nhận. Đất nước này không đến mức không lo nổi cho 2.000 cháu", ông Dung nói.
Theo đó, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm, chính sách với trẻ em mồ côi của Việt Nam hiện nay thuộc diện chính sách cao nhất trên thế giới. Chính sách cho trẻ em của Việt Nam (Nghị định 20) đã có hiệu lực từ 1/7/2021, thì chính sách với trẻ mồ côi của chúng ta là cao - 1,8 triệu, người nuôi dưỡng 900.000 đồng, trẻ em 900.000 đồng, tổng là 1,8 triệu. (Thế giới, trẻ em SOS hiện chỉ có 540 nghìn đồng).
Bộ trưởng Dung cũng cho biết ngày 22/10, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ trực tiếp hỗ trợ tiềm mặt cho các cháu mồ côi cha hoặc mẹ số tiền 5 triệu đồng; với các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng bằng tiền mặt, bằng sổ tiết kiệm để hỗ trợ các cháu ăn học..
Liên quan đến việc trẻ em chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tại nhiều Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhất quán quan điểm, cố gắng cao nhất và mong muốn gia đình người thân phải là ưu tiên đầu tiên cho trẻ nhỏ: "Đối với trẻ em, gia đình là tất cả. Sự giúp đỡ, hỗ trợ của doanh nghiệp như xây trường nuôi dạy tập trung cho trẻ em mồ côi do dịch Covid - 19 chỉ là giải pháp cuối cùng".
Trước đó, báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống dịch Covid- 19 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tác động về mặt xã hội của đại dịch là rất lớn và chưa được đánh giá đầy đủ; có tình trạng lao động tự do phản ánh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước; có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách; có hàng nghìn trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19, nhiều em trong số này có nguy cơ không được bảo đảm phát triển toàn diện.
Theo đánh giá của các chuyên gia, về cơ bản, chính sách hỗ trợ hiện nay khá đầy đủ, nhưng về lâu dài cần hỗ trợ các em và gia đình, đại diện chăm sóc các em về mặt sinh kế để các em có cuộc sống ổn định. Chính quyền địa phương cần triển khai ngay những quy định về mặt pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, đỡ đầu các em trong thời gian dài hơn. Các thủ tục về chăm sóc thay thế, nhận đỡ đầu cho trẻ em phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ không có nguồn nuôi dưỡng được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ.
Tuy nhiên, đối với nhóm trẻ em mồ côi do Covid-19 là nhóm trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội do hoàn cảnh giãn cách xã hội kéo dài, không có người thân thường xuyên chăm sóc nên cần có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ngoài quy định chung đối với các trẻ em mồ côi theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
Đồng thời, chính sách này được thực hiện cùng với Chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chương trình "Nối vòng tay thương" của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.