Kon Tum: Người dân chủ động hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp thoát nghèo
- Dược liệu
- 13:23 - 08/12/2020
Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 1.403.162 triệu đồng. Các chính sách, dự án, chương trình hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 khoảng 7.006.105 triệu đồng; hỗ trợ mạng lưới cộng tác viên giai đoạn 2017-2020 là 3.062 triệu đồng. Nguồn lực được phân bổ ưu tiêu cho phát triển kinh tế ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, thực hiện lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hộ nghèo từ chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,11% vào cuối năm 2015 xuống còn 13,62% vào cuối năm 2019, ước năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn 10,12%, đạt 104% so với mục tiêu Đề án giảm nghèo; tổng số hộ thoát nghèo trong 04 năm là 20.901 hộ. Tổng số hộ nghèo DTTS toàn tỉnh là 17.649 hộ, chiếm tỷ lệ 24,93% so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh; bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 5,41%/năm (từ 46,57% vào cuối năm 2015 xuống còn 24,93% vào cuối năm 2019), đạt 133,6% so với mục tiêu Đề án giảm nghèo; tổng số hộ thoát nghèo DTTS trong 04 năm là 18.791 hộ.
Thu nhập bình quân của hộ nghèo là 644 nghìn đồng/người/tháng, đạt 122% so với mục tiêu tăng thu nhập bình quân hàng năm của hộ nghèo theo Đề án giảm nghèo. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã là 93%; 100% xã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,60%. Đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 98%. 100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua báo chí, các xuất bản phẩm và phương tiện truyền thông khác….
Để đạt được kết quả về công tác giảm nghèo như trên là nhờ sự quan tâm sâu sát của các bộ ngành Trung ương; của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống. Kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của Nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo, các xã khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân.
Ban Chỉ đạo các CTMTQG cấp tỉnh, huyện, xã đã phát huy hiệu quả hoạt động trong quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo các CTMTQG các cấp, có ghi nhận những đề xuất và kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được khẩn trương triển khai, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn thực hiện các CTMTQG, góp phần đảm bảo thực hiện kế hoạch đã đề ra. Uỷ ban nhân dân các cấp đã quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực lồng ghép thực hiện các nội dung, hoạt động trọng tâm của từng chương trình, qua đó góp phần nâng cao kết quả thực hiện các chương trình, duy trì và nâng cao kết quả giảm nghèo bền vững. Tăng cường giải pháp huy động nguồn lực, đến cuối năm 2020 giải quyết dứt điểm tình trạng hộ nghèo người có công khó khăn về nhà ở.
Công tác đào tạo, tuyên truyền về giảm nghèo bền vững được quan tâm, đổi mới với nhiều phương thức mới, có kỹ năng, kỹ thuật và nâng cao công tác tuyên truyền về chính sách, định hướng thực hiện các CTMTQG; cập nhật, đăng tin, sản xuất tài liệu và tài liệu hóa được sách các mô hình, kinh nghiệm điển hình, tiên tiến trong thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Người dân được tham gia vào các hoạt động: Tham gia ý kiến trong các buổi họp dân về hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, về kết quả điều ra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; tham gia góp ngày công lao động, giám sát xây dựng các công trình tại cơ sở như đường giao thông nông thôn, nhà rông, sân tập thể thao,…; tham gia các mô hình giảm nghèo: nuôi dê, nuôi bò sinh sản, nuôi bò thịt, trồng cây cà phê, cao su, bời lời…So với giai đoạn trước đã có sự chủ động hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp thoát nghèo, giảm tình trạng chây lười ỷ lại và ý thức được các chính sách, chương trình giảm nghèo của Nhà nước chuyển từ hỗ trợ hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện.