THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:17

Giai đoạn 2016-2020: Tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Hà Giang giảm 21,12%

Theo kết quả điều tra hộ nghèo cuối năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang chiếm tỷ lệ 43,65%. Trong đó, 6 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 64,03%; số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 11,38% tổng số hộ toàn tỉnh.

Giai đoạn 2016-2020: Tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Hà Giang giảm 21,12% - Ảnh 1.

Mô hình trồng cam thương phẩm giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 22,53%, giảm 21,12% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 4,2% tỷ lệ hộ nghèo). Trong đó, 6 huyện nghèo tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 34,0%, giảm 30,03% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 6,0% tỷ lệ hộ nghèo).

Có thể khẳng định các chính sách, dự án thuộc chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững được triển khai lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đã cải thiện khả năng tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, nhận thức, năng lực, trách nhiệm về giảm nghèo được nâng cao, tạo được phong trào giảm nghèo sôi động trên địa bàn toàn tỉnh, có những bước đột phá quan trọng nhất là mục tiêu giảm nghèo, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh.

Nhờ làm tốt công tác xã hội hoá trong giảm nghèo mà nội lực được khai thác, sức dân được huy động tối đa cho việc xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, các công trình cơ sở hạ tầng hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, đời sống văn hoá xã hội của nhân dân ngày càng được nâng cao, số người nghèo được thụ hưởng các thành quả kinh tế xã hội ngày càng nhiều, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, đã giúp người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, hưởng thụ tốt hơn các dịch vụ công cộng và các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ mỗi hộ 60 triệu đồng từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa, giai đoạn 1 (từ tháng 7/2019 đến tháng 9/2020) toàn tỉnh đã vận động hỗ trợ được trên 200 tỷ đồng và huy động được 126.435 ngày công hỗ trợ cho Chương trình đã triển khai hoàn thành 3.336 căn nhà kiên cố cho hộ nghèo và đối tượng chính sách.

Giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, do đó cần phải kiên trì để thực hiện mục tiêu đề ra trong cả hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, tránh chủ quan nóng vội, bệnh thành tích; Cấp ủy, chính quyền các cấp phải quán triệt đầy đủ trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của mình; phải huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội mới có thể thành công. Vai trò của người dân, đặc biệt là bản thân người nghèo là nhân tố quyết định đến sự bền vững của chương trình giảm nghèo; vì vậy, phải khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người nghèo, kết hợp với các chính sách hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Các chính sách giảm nghèo phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn; những chính sách qua thực hiện thấy bất hợp lý phải khẩn trương được sửa đổi, thay thế. Chính sách giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có các chính sách giảm nghèo chung, có chính sách giảm nghèo đặc thù cho từng vùng khó khăn, nhóm người nghèo dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

Nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quyết định, cần được ưu tiên và bố trí kịp thời  để thực hiện chương trình giảm nghèo, ưu tiên cho các địa bàn nghèo (huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn). Đồng thời, có cơ chế để huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính bản thân hộ nghèo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Các chính sách và nguồn lực phải được công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả. Chuyển dần từ hình thức hỗ trợ cho không sang hình thức hỗ trợ có điều kiện hoặc có thu hồi để người dân có ý thức bảo toàn vốn, tránh tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ cho không của nhà nước.

 Trên cơ sở Chương trình giảm nghèo bền vững, cần xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trên địa bàn để tổ chức thực hiện; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo. Thực tế cho thấy nơi nào, địa phương nào, cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị ở địa phương, thực hiện phân cấp, mở rộng sự tham gia của người dân thì nơi đó, giảm nghèo đạt kết quả cao và ngược lại.

Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình giảm nghèo cần được tổ chức thường xuyên ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi chính sách. Thông qua đó để hạn chế các tiêu cực, lợi dụng chính sách, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Thường xuyên tổ chức các hình thức truyền thông về giảm nghèo đa dạng, phù hợp để chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và nhà nước đến được với người nghèo. Phát hiện, tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng. Đồng thời, phê phán các hiện tượng tiêu cực, không muốn thoát nghèo; tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm giảm nghèo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh