CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:19

Mặt trận Tổ quốc tham gia triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo

Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp ở từng địa phương. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế; vận động các nguồn lực đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân trong cộng đồng dân cư.

Mặt trận Tổ quốc tham gia triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo - Ảnh 1.

Chung tay ủng hộ Quỹ Vì người nghèo.

Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đã được nhân rộng ở nhiều địa phương như: Sản xuất lúa theo hướng liên kết cánh đồng mẫu lớn, tổ hợp tác phát triển kinh tế, mô hình hợp tác xã, đưa giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, mở rộng thâm canh, tăng chất lượng nuôi trồng thủy, hải sản theo công nghệ mới...

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia vận động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai công tác vận động nguồn lực ủng hộ người nghèo. Hằng năm vào dịp ngày 17/10, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giúp Ban Vận động Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau"  trên sóng VTV1 Đài truyền hình Việt Nam. Chương trình này tổ chức nhằm phát động toàn quốc tháng cao điểm vì người nghèo (17/10 - 18/11).

Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức phát động ủng hộ người nghèo nhắn tin qua Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia.

Năm 2019, phối hợp với Ban Chỉ đạo các chương tình mục tiêu quốc gia tổ chức chương trình gặp mặt, tôn vinh, biểu dương các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân tích cực vận động, ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và an sinh xã hội trong 3 năm 2017 - 2019 nhằm động viên, kích lệ các đơn vị, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ người nghèo và an sinh xã hội đạt kết quả cao.

Bên cạnh đó, hàng năm Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hướng dẫn, chỉ đạo Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" địa phương tập trung vận động các tầng lớp nhân dân, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty ủng hộ, hỗ trợ nguồn lực chăm lo cho người nghèo. Trên cơ sở hướng dẫn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đều tổ chức vận động Tháng cao điểm vì người nghèo (17/10 - 18/11) nhằm tuyên truyền vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp… tham gia hưởng ứng vận động hỗ trợ Quỹ "Vì người nghèo" và an sinh xã hội tại địa phương.

Trên cơ sở kết quả vận động, hàng năm Ban Thường trực, Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" Trung ương phân bổ số tiền trên 98,148 tỷ đồng và thực hiện chương trình an sinh xã hội số tiền trên 2.000 tỷ đồng .

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTG ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiến hành giải ngân, giao kinh phí cho các địa phương triển khai có kết quả 45 dự án giảm nghèo với tổng số kinh phí là hơn 20 tỷ đồng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai, tổ chức giám sát và phản biện xã hội về giảm nghèo bền vững. Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động giám sát liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh, vật tư, nông nghiệp; giám sát bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng; giám sát nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới nhất là nguồn lực do nhân dân đóng góp và nhà nước đầu tư; giám sát về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; việc thực hiện chính sách hỗ trợ giá, giống, vốn, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; giám sát xây dựng các công trình dân sinh; bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng; chính sách hỗ trợ, ưu đãi nông dân phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân nghèo; xây dựng và quản lý quỹ hỗ trợ nông dân; giám sát việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho Nhân dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid- 19.

Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia giám sát trong xây dựng nông thôn mới như: Thực hiện các công trình phúc lợi, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; có cơ chế hỗ trợ và huy động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn điền đổi thửa... Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tích cực tuyên truyền cho cán bộ, bà con nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện những sai phạm, bất cập phản ánh với cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng.

Tính đến nay, các địa phương đã tổ chức được 9.564 cuộc giám sát về nông nghiệp và cơ chế, chính sách cho người dân ở nông thôn. Các địa phương thực hiện tốt công tác giám sát như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Đồng Nai, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Tây Ninh, Hậu Giang...

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh