CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:20

Kon Tum: Lâm tặc phá nát cánh rừng biên giới

 

Cáp tời kéo gỗ “khủng”

Trước khi đến điểm phá rừng, để những lâm tặc có tiếng liều lĩnh ở xã Đắk Long không phát hiện, chúng tôi cải trang thành người đi bẫy gà rừng. Đây là địa bàn giáp với biên giới nước Lào, nơi quy tụ những “ông trùm” lâm tặc tại tỉnh Kon Tum.

Xuất phát từ 6 giờ sáng trên hai xe máy độ chế chuyên dụng của lâm tặc dùng để phá rừng, chúng tôi đi qua cầu treo Đắk Long thuộc khu vực thôn Đắk Tu, xã Đắk Long. Men theo đường mòn dưới chân núi khoảng 4km, chúng tôi bị một dãy núi có độ dốc lớn chắn ngang. Người dẫn đường cho biết, để vượt qua dãy núi này, xe máy độ chế của lâm tặc phải có tời ở phía trước, bánh sau được gắn xích nhằm tạo cho xe khả năng vượt núi hiệu quả nhất. Ở đây, lâm tặc lập khoảng 5 người thành một tốp đi vào rừng xẻ gỗ, thành phẩm có “ông trùm” sẽ đến chân núi thu mua.

Sau 1 giờ đồng hồ vượt núi, chúng tôi đặt chân đến con suối Đắk Giao, đây chính là điểm rừng bị phá. Con suối này nằm dưới hai dãy núi lớn nên có độ dốc cao, dễ trượt chân lao xuống vách đá, rất nguy hiểm. Ngoài ra, những bẫy lợn rừng đặt khắp nơi, mải ghi nhận hình ảnh không để ý sẽ bị treo ngược lên trời. Men theo đường suối, trong bán kính 1 ha có 40 cây gỗ lớn, đường kính 2 người ôm bị đốn hạ. Tiếp tục đi ngược suối Đắk Giao khoảng 3km chúng tôi chứng kiến khoảng 60 cây gỗ lớn đường kính từ 1 đến 2 người ôm bị đốn hạ.

 

Rất nhiều thân gỗ đường kính 3 người ôm bị đốn hạ.


Theo một “thổ địa” nơi đây, để đối phó với địa hình hiểm trở, sau khi cắt hạ cây, lâm tặc sẽ đẩy gỗ xuống lòng suối rồi xẻ thành lóng. Sau đó sử dụng máy tời, cột cáp sắt vào gốc cây lớn trên đỉnh núi rồi kéo gỗ lên. Mỗi máy tời có thể kéo cây gỗ khoảng 500kg với khoảng cách 400m. Theo quan sát, những cây gỗ dổi lớn hơn 2 người ôm, lâm tặc chỉ cắt hạ xuống, không lấy về ngay mà đợi khô, khi trọng lượng giảm bớt sẽ cưa sẻ thàng lóng mang về. Những gốc đinh hương có giá trị cao lâm tặc sẽ cắt hạ và lấy đi luôn, nên nhiều cây mà chúng tôi chứng kiến còn ứa nhựa đỏ.

Ghi nhận điểm phá rừng trên 2 giờ đồng hồ, nghe có tiếng xe máy độ chế đã tháo ống bô rầm rầm tiến vào cánh rừng, chúng tôi mau chóng rút lui theo một đường tắt.

 

Cây gỗ lớn cưa hạ, đợi khô mới xẻ thành lóng để tiện vận chuyển.


Cảnh báo cánh rừng tan hoang

Ban đầu, tiếp nhận thông tin và hình ảnh về điểm phá rừng trên, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho rằng rừng thuộc xã Đắk Long không còn gỗ lớn như vậy, mà là gỗ vùng ngoài biên giới. Sau khi phóng viên cung cấp định vị cụ thể bằng hình ảnh, ông Tiến cho biết sẽ cử người tiến hành kiểm tra ngay và thông tin lại cho báo chí.

Theo ông Tiến, rừng tại xã Đắk Long do Ban quản lý rừng Đắk Long, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hồi, một kiểm lâm địa bàn quản lý. Ngoài ra, tại đây cũng có 2 đồn biên phòng đóng chân, phía kiểm lâm cũng đã ký quy chế phối hợp. “Thời gian gần đây, Hạt kiểm lâm huyện Đắk Glei báo cáo về Chi cục không thấy rừng tại xã Đắk Long bị tàn phá. Trên địa bàn xã Đắk Long có 2 lối mở nhập khẩu gỗ từ nước bạn về nhưng đã được đóng từ thời điểm 30/7/2017 nên việc trà trộn giữa gỗ nhập khẩu và gỗ khai thác ở trên địa bàn là không có”, ông Tiến nói.

 

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh