CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:37

Lâm tặc xuyên đường “chân trời” phá nát rừng Ngọc Hồi

 

Hai cây cóc đá mới bị đốn hạ.


Ngang nhiên phá rừng

Nhận được tin báo khu rừng trên địa bàn xã Đắk Xú giáp ranh xã Đắk Nông bị tàn phá với diện tích lớn, chúng tôi đã tìm cách đến tận nơi ghi nhận thực trạng. Để vượt qua quãng đường mà lâm tặc thường gọi là “chân trời”, một “thổ địa” đã giúp chúng tôi chuẩn bị các nhu yếu phẩm gọn nhẹ trên một xe máy độ chế hàn thêm nhiều khung sắt, quấn nhiều vòng xích ở bánh sau xe nhằm tăng độ bám cho xe khi leo dốc núi.

Xuất phát 4 giờ sáng, khi đến đường NT18 (huyện Ngọc Hồi), chúng tôi băng qua một xưởng gỗ bỏ hoang cách đường “chân trời” khoảng 8km. Quan sát hai bên đường, hàng chục gốc cây đường kính 2 người ôm nằm ngổn ngang.

Theo đường xương cá dọc núi, chúng tôi sững sờ trước một bãi khoảng 10 cây cóc đá lớn bị cưa xẻ. Nhiều lóng gỗ rỗng ruột bị lâm tặc bỏ lại rải rác. Cứ đi khoảng 200m lại có một điểm bị phá. Chỉ riêng vạt rừng tại xã Đắk Xú đã có hơn 300 cây cóc đá, loại có đường kính 80cm trở lên bị đốn hạ.

Theo người dẫn đường, vạt rừng này đã bị lâm tặc khai thác hơn 1 tháng. Vào sâu 4km nữa là xã Đắk Nông, nơi đang được lâm tặc xẻ gỗ bằng lăng. Chợt nghe tiếng xe máy đã tháo pô nổ rầm trời của lâm tặc đang kéo vào, chúng tôi phải vội tạm lánh, đi về theo một lối tắt hiểm trở khác để khỏi bị nhóm lâm tặc “xử đẹp”.

Lối đi tắt này nguy hiểm, chơi vơi đến mức được người dẫn đường cảnh báo trung bình cứ 2 tháng có một lâm tặc bỏ mạng. Đi khoảng 4km chúng tôi về bãi khai thác đá của công ty TNHH Đổi Mới (thôn Nông Nhầy 2, xã Đắk Nông). Theo tìm hiểu, đây là con đường mà lâm tặc khai thác xong sẽ tập kết gỗ tại khoảnh đất trống cạnh mỏ đá, sau đó các đầu nậu đến bốc chở đi.

 

Một chòi của lâm tặc bỏ lại.

 

Rừng bị tàn phá nhiều năm

Trình báo toàn bộ sự việc với nhà chức trách, ông Nguyễn Gia Minh Hải - cán bộ pháp chế, Hạt kiểm lâm huyện Ngọc Hồi xác nhận vạt rừng bị phá nằm giữa hai xã, tại khu vực xã Đắk Xú giáp ranh xã Đắk Nông, thuộc lâm phần quản lý của công ty Lâm nghiệp Ngọc Hồi. Ông Hải cho biết chỉ tiếp nhận thông tin, sau đó sẽ báo cáo lãnh đạo kiểm tra, xử lý.

Khi chúng tôi đến đăng ký làm việc với Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hồi, các nhân viên cho biết lãnh đạo đã đi công tác.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cuối năm 2016, đơn vị đã tăng cường lực lượng về Ngọc Hồi để cùng phối hợp chốt chặn tại các lối vào rừng ở hai xã Đắk Xú, Đắk Nông. Tuy nhiên sau này do trên địa bàn tỉnh nóng về tình trạng phá rừng, trong khi lực lượng của ngành lại mỏng nên buộc chi cục phải rút lực lượng tăng cường ở Ngọc Hồi về.

Phóng viên đặt câu hỏi có không sự bao che giữa kiểm lâm địa bàn với lâm tặc, bởi khu rừng giáp ranh giữa xã Đắk Xú và Đắk Nông bị “xẻ thịt” nhiều năm, ông Tiến bực bội nói: Không thể ngồi đây mà quy chụp việc bao che hay không của lực lượng kiểm lâm địa bàn!

Cũng theo ông Tiến, tại xã Đắk Xú, trong tháng 9 và 10, ngành chức năng đã phát hiện nhiều vụ phá rừng. Trong đó điển hình nhất là vụ phá rừng diễn ra tại khoảnh 1, tiểu khu 171 với khối lượng hơn 36,5m3. Vụ việc đã được Hạt kiểm lâm huyện Ngọc Hồi khởi tố.

Thực tế, tại vị trí rừng bị phá mà báo Tiền Phong ghi nhận, những gốc cây gỗ bị đốn hạ không có dấu búa của cơ quan chức năng. Dấu vết khai thác gỗ để lại hơn 1 tháng. Còn khu vực rừng bị phá mà ngành chức năng phát hiện, kiểm đếm, sự việc đã diễn ra từ 6 tháng trước.

“Trước mắt, Chi cục tiếp nhận thông tin, sau đó sẽ huy động lực lượng  cùng phối hợp đi kiểm tra lại vị trí rừng mà báo chí cung cấp. Sau khi kiểm tra xong, chúng tôi sẽ báo ngay cho các anh” - ông Tiến nói. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh