Kinh tế bất minh là chứng cứ tham nhũng?
- Pháp luật
- 14:46 - 17/08/2016
Tham nhũng sờ sờ trước mặt.
Buổi sáng, ngồi uống cà phê vỉa hè, chiều ngồi nhậu lai rai quan cóc…liên tục cứ phải nghe hết chuyện tham nhũng này, đến chuyện móc ngoặc, ăn hối lộ kia của hết “ ông này, bà nọ”. Nghe hoài, thật có cảm giác “Rác tai”. Vậy nhưng, những điều mọi người nói nó vẫn cứ hiển hiện, sờ sờ ra trước mắt mà …chịu.
Chuyện một ông quan nọ, xuất thân ( cả họ, ba đời trước đó) nông dân nghèo, lớn lên theo cách mạng, có thành tích rồi được thăng quan, tiến chức trong thời bình. Chỉ vài nhiệm kỳ làm quan đầu ngành, đầu tỉnh, thậm chí chỉ cần trưởng ban này, ban nọ 1,2 nhiệm kỳ, lương thì giỏi lắm cũng chỉ được chục triệu/ tháng. Vậy mà, bỗng nhiên có khối tài sản vài căn nhà mặt tiền, chục lô đất ở vị trí đắc địa ( Đứng tên rất nhiều người thân)…con, cái, em, cháu đều thuộc diện du học, Bằng đỏ ở các trường danh tiếng của nước ngòai. Tài sản lên đến hàng trăm tỷ, nuôi cả họ, nhiều đời sau này…không hết. Đại loại, mỗi ngày, ở đâu chúng ta đều có thể nghe thấy rất, rất nhiều những chuyện như vậy.
Lương của cấp nào thì làm được siêu biệt thự cỡ này? ( ảnh minh họa)
Ông bạn già của tôi đã về hưu, mạnh miệng, phán: “ Có đập tôi chết, tôi cũng nói: đó là tiền tham nhũng”. Tôi hỏi: Chứng cứ đâu? Không ngờ ông ta nổi điên: Đó là chứng cứ chứ còn đâu, tài sản bất minh, kinh tế bất minh, không chứng minh được thì đó là chứng cứ tham nhũng chứ còn đâu nữa. Rồi ông ta chửi thẳng: “NB mà ngu”
Tìm tham nhũng…không khó.
Hiện nay, bộ máy, hệ thống các cơ quan phòng chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương, Bộ, Ngành đều có đủ, thậm chí là rất mạnh. Chủ trương, tư tưởng chỉ đạo từ các vị Lãnh đạo cao nhất cũng rất rõ ràng, quyết liệt. Luật, các văn bản đều có cả. Các biện pháp, qui định nhằm ngăn chăn, kiểm soát tham nhũng cũng không thiếu. Vậy nhưng các vụ án tham nhũng bị điều tra, xét xử vẫn còn rất ít ( không tương xứng với thực trạng tham nhũng). Bởi lẽ, hầu hết các vụ tham nhũng đều được điều tra sau khi phát hiện có những dấu hiệu vi phạm, sai trái trong quá trình thực thi công vụ của đối tượng tham nhũng. Mà loại đối tượng này thì thật ra không nhiều, hay nói cách khác là kém, nên mới bị…lòi đuôi. Hầu hết các đối tượng tham nhũng ( lớn) đều rất ma quái, tinh vi, có hệ thống, có ê kíp ăn giơ…nên không dễ gì để lòi ra cái đuôi sai phạm.
Kinh tế bất minh, tài sản bất minh sẽ là chứng cứ của tham nhũng? ( ảnh minh họa)
Có một cách đơn giản hơn rất nhiều để có thể tìm ra tham nhũng: Đó là tài sản, đó là kinh tế. Đã là kẻ tham nhũng thì chắc chắn sẽ rất ham hưởng thụ, rất thích giàu. Của cải tham nhũng được không bao giờ họ đem vứt đi hay cho người ngoài. Chắc chắn các của cải đó sẽ được quản lý một cách chặt chẽ bằng nhiều cách ( đứng tên cha, mẹ, vợ, con, cháu…). Để xác định, hay tìm cho ra những tài sản bất minh này, cũng không quá khó. Hầu hết, ông nào phạm tội tham nhũng cũng là đảng viên ( mới có chức, quyền). Vậy thì cứ theo lý lịch, hồ sơ đảng viên mà truy tìm tài sản bất minh.
Vậy, nên chăng cần bổ sung vào những văn bản pháp luật, qui định về phòng chống tham nhũng : Tài sản, kinh tế bất minh được xem là dấu hiệu tham nhũng để điều tra, không cần biết anh tham nhũng ở đâu, trong vụ việc nào. Và, tài sản, kinh tế bất minh ( đã xác định) được coi là chứng cứ để truy tố trước pháp luật.