THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:48

Quan tham xưa và nay

Nếu ai đã xem phim "Tể tướng Lưu gù" chắc hẳn sẽ nhớ câu nói nổi tiếng của đại quan tham Hòa Thân: "Cái gì Hoàng đế có Hòa Thân cũng có, cái gì Hoàng đế không có Hòa Thân cũng có".

Hòa Thân được mệnh danh là "đại quan tham" đứng vào hàng đầu bảng của lịch sử Trung Hoa mọi thời đại. Hòa Thân giàu có đến nỗi tổng tài sản của Hòa Thân bị tịch thu sau khi thất sủng bằng 15 năm ngân khố quốc gia. Vậy việc Hòa Thân giàu có nhờ tham nhũng liệu vua Càn Long có biết không?

Câu trả lời chắc chắn là biết. Vậy thì tại sao vua Càn Long lại để cho một ông quan dưới quyền mình mà giàu có hơn cả mình. Có lẽ chưa hỏi đã có câu trả lời ở việc "… tổng tài sản của Hòa Thân bị tịch thu sau khi thất sủng bằng 15 năm ngân khố quốc gia".

Có nhiều nguyên nhân để vua Càn Long không tịch thu gia sản tham nhũng của Hòa Thân như: Hòa Thân là một người có học thức uyên thâm; rất am hiểu về quản lý tài chính; có kinh nghiệm ngoại giao phong phú; Hòa Thân rất giống Mã Giai Thị (Càn Long từng gặp tiếng sét ái tình với Mã Giai Thị, một ái phi được Ung Chính hoàng đế sủng ái); có tài xu nịnh, am hiểu thơ văn… thì còn có một nguyên nhân rất quan trọng nữa là: Vua Càn Long biết là Hòa Thân tham nhũng nhưng tất cả của cải tham nhũng đó, Hòa Thân chỉ cất vào trong kho đụn hay xây các công trình kiến trúc lộng lẫy.

 Kho đụn Hòa Thân nằm trong đất nước Trung Hoa, các công trình kiến trúc của Hòa Thân cũng nằm trong đất nước Trung Hoa. Những gì nằm trong đất nước Trung Hoa, từ thần dân đến của cải, thậm chí là cây cỏ thì đều là của Hoàng đế Trung Hoa. Vậy nên của cải tiếng là của Hòa Thân nhưng thực chất Hòa Thân chỉ như một tên quan giữ kho cho Hoàng đế không hơn không kém. Sau khi vua Càn Long chết, con của ông lên ngôi, Hòa Thân bị thất sủng, của cải bị tịch thu về kho của nhà vua. Đây thực sự là một thứ "của để dành" cho con cháu đời sau vậy.

Vừa qua, báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết trong 10 năm qua ở nước ta, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện là gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Nhưng đến nay số tiền đã thu hồi cho nhà nước chỉ gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất. Như vậy con số tài sản thu hồi lại được chỉ chiếm gần 8%. 

Những con số trên cũng đã nói lên tất cả và có sự khác biệt rất lớn giữa quan tham đời xưa và quan tham đời nay. Sở dĩ khi tịch thu tài sản của Hòa Thân, nhà vua thu được một lượng tài sản lớn như thế là vì tài sản của Hòa Thân tất cả đều để ở trong nước, đều được "đứng tên" mỗi một mình Hòa Thân. Xét ra đại quan tham Hòa Thân vẫn chưa có nhiều mưu mô như quan tham ngày nay.

Sở dĩ Nhà nước thu hồi được rất ít tài sản của quan tham là vì họ tẩu tán tài sản vô cùng tinh vi, như lấy tên người thân để đứng tên "chính chủ" tài sản và còn có vô vàn cách khác để tẩu tán tài sản. Một trong những con đường tẩu tán khá phổ biến, đó là gửi ở các ngân hàng nước ngoài, mua tài sản ở nước ngoài và các thương vụ mua bán với người nước ngoài. Bằng thủ đoạn bắt tay với người nước ngoài để kê khống, nâng giá trị của tài sản lên để chia chác.



Đơn cử như vụ án tham ô tài sản tại Vinalines liên quan ụ nổi tai tiếng được đưa ra xét xử (ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều bị tuyên án tử hình), tổng giá trị của ụ nổi được xác định hơn 500 tỷ đồng (gồm tiền mua, vận chuyển, sửa chữa, bảo quản, dù chưa một lần sử dụng). Vào đầu năm 2016, Vinalines thông báo bán đấu giá ụ nổi này với giá sàn 34,85 tỷ đồng và ngày 3. 6. 2016 một cá nhân đã thắng phiên đấu giá với mức giá 38,5 tỷ đồng. Sự chênh lệch giữa hai con số đã nói lên tất cả.

Trong những năm vừa qua, tham nhũng đã trở thành quốc nạn của đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, phá hoại kinh tế, phá hoại an ninh quốc gia.

Vừa qua đồng bào trong cả nước đã hân hoan, ủng hộ quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diệt trừ tận gốc quốc nạn tham nhũng và lợi ích nhóm khi Tổng Bí thư yêu cầu: "Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào".

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh