THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:30

Kinh doanh karaoke phải trả thêm tác quyền

 

Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) vừa cho biết trong năm 2017 sẽ thu phí tác quyền và quyền liên quan đối với hơn 10.000 tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV tại các trung tâm kinh doanh dịch vụ karaoke, các địa điểm kinh doanh dịch vụ ca hát có sử dụng thiết bị karaoke trên cả nước.

RIAV sở hữu bản quyền ghi âm

Sau Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu thành công tiền tác quyền ca khúc, bây giờ là RIAV tiến hành thu tiền tác quyền bản ghi âm.

Quyết định này được ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch RIAV, ký giao quyền cho Trung tâm Cấp phép và Quản lý quyền (trực thuộc RIAV) sẽ đại diện RIAV thu phí. Theo đó, mức phí được áp dụng là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke trong thời hạn 1 năm.

“Để tiến hành thu phí, từ cuối năm 2016, RIAV đã khảo sát hoạt động kinh doanh karaoke có sử dụng tác phẩm âm nhạc thuộc quyền quản lý của RIAV tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Trà Vinh và Bến Tre” - bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Thường trực RIAV, cho biết.

 

Chủ cơ sở kinh doanh karaoke sẽ phải trả tiền tác quyền ghi âm?Ảnh: Hoàng Triều

 

Nhưng liệu việc thu phí tác quyền ghi âm này có khả thi hay không? Theo phân tích của các nhà chuyên môn, việc tiến tới thực hiện bản quyền bản ghi âm là đương nhiên. Ở Việt Nam, có Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam đã hoạt động cả chục năm nay, hằng năm thu được hàng trăm tỉ đồng tác quyền cho các tác giả có ủy quyền. RIAV sẽ đại diện cho các nhà sản xuất âm nhạc đã ký ủy nhiệm để thu hộ tiền bản quyền của các quyền liên quan, ở đây cụ thể là quyền bản ghi âm.

Thu tiền khó hay dễ?

Ông Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp phép và Quản lý quyền (thuộc RIAV), khẳng định không phải bài nào cũng thu phí mà phải dựa trên cơ sở làm việc với các bên. Nhà sản xuất có hợp đồng ủy quyền với RIAV và RIAV sẽ thu tại các cơ sở kinh doanh karaoke chứ không thu của các gia đình hoặc tổ chức sử dụng bài hát không phải với mục đích kinh doanh. Ông Dũng khẳng định chỉ cần đến kiểm tra cơ sở kinh doanh karaoke, sẽ biết ngay cơ sở đang sử dụng đầu đĩa hát của đơn vị nào; từ đó tiến hành thu theo list các bài hát có bản quyền của đơn vị sản xuất đầu karaoke đó.

Ông Hoàng Anh Dũng cho rằng: “Việc này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của RIAV và hội viên RIAV, khi các cơ sở kinh doanh karaoke đã vi phạm các quy định tại điểm a, khoản 2, điều 746 Bộ Luật Dân sự năm 2005; khoản 5, điều 35, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi và bổ sung năm 2009 và các quy định khác có liên quan - sử dụng bài hát với mục đích kinh doanh nhưng chưa được sự đồng ý của tác giả và không trả tiền bản quyền ghi âm. Trường hợp các khách hàng vẫn tiếp tục có hành vi xâm phạm bản quyền như đã nêu, trung tâm sẽ kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật”.

Ông Dũng cho biết mức phí 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke và có thời hạn sử dụng 1 năm tính từ ngày được cấp phép là mức phí được áp dụng từ ngày 14-7-2016, trung tâm không truy thu thời gian sử dụng trước đó.

Lấy quảng cáo bù tiền tác quyền?

Hồi cuối năm 2016, RIAV cùng Công ty Điện tử Hanet Việt Nam (Hanet) ký kết văn kiện đối tác chiến lược trong việc khai thác bản quyền tại các trung tâm kinh doanh karaoke. Theo đó, các trung tâm kinh doanh karaoke có sử dụng các thiết bị của Hanet sẽ được kết nối internet để cập nhật bài hát tự động và kèm theo đó là hiển thị các thông tin quảng cáo. Số tiền thu được từ kênh quảng cáo này sẽ được dùng để thanh toán tiền phí bản quyền sử dụng ca khúc, chia cho trung tâm karaoke và thực hiện các hoạt động truyền thông.

Dự kiến tỉ lệ phân chia doanh thu từ quảng cáo sẽ là: 25% cho chủ sở hữu bản quyền (ca sĩ), 10% cho trung tâm kinh doanh karaoke, 30% cho đại lý khai thác quảng cáo (agency), 15% cho Hanet và 20% dùng để đầu tư cũng như bảo trì hệ thống.

Ông Võ Đức Thọ, giám đốc Hanet, cho biết: “Nếu theo quy định hiện hành, mỗi phòng kinh doanh karaoke phải đóng phí 2.000 đồng/bài hát/năm. Tạm tính mỗi thiết bị karaoke sử dụng 10.000 bài hát, như vậy cứ trung bình mỗi cơ sở kinh doanh karaoke có khoảng 20 phòng/20 đầu máy karaoke thì mỗi năm phải trả tiền tác quyền cho RIAV là 400 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ với một trung tâm/cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke nhưng Hanet đưa ra dự án giúp các bên thực hiện. Nếu các cơ sở kinh doanh karaoke hợp tác với Hanet, chẳng những không phải đóng 2.000 đồng/bài hát/năm mà còn được hưởng thêm 10% từ doanh thu quảng cáo”.

Tuy nhiên, phân tích của giới chuyên môn khẳng định trước hết đây là chiêu kéo khách của Hanet, vì trên thực tế thị trường không phải chỉ có Hanet sản xuất đầu karaoke; thứ hai là rất không nên choàng từ việc nọ sang việc kia như thế bởi vì đối tượng thực sự kinh doanh bài hát thì không trả tiền cho tác quyền bản ghi âm mà lại dùng tiền của nhà quảng cáo để bù qua cấn lại?

Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Thường trực RIAV, khẳng định giải pháp thanh toán giữa Hanet với các khách hàng nên làm đúng pháp luật quy định chứ không nên choàng qua nhau. Bà Dung đánh giá việc xúc tiến thu tiền tác quyền liên quan đến bản ghi của RIAV là đúng pháp luật. Bà cho rằng những thành viên đã rời khỏi RIAV giai đoạn trước như Công ty Nhạc Xanh và một số thành viên khác là vì lý do hoạt động còn nhiều điều chưa thông suốt nhưng chuyện đó không ảnh hưởng đến mong muốn của nhiều thành viên hiện tại: RIAV thu được khoản tiền tác quyền bản ghi âm để giúp các thành viên RIAV bù đắp chi phí sản xuất.

Khó nhưng không phải là không thể

Ông Hoàng Anh Dũng cho rằng cách đây hơn 10 năm, lúc Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bắt đầu đi thu phí tác quyền, cũng vấp phải nhiều khó khăn. Không chỉ đối tượng kinh doanh khó thu tiền mà thậm chí phản ứng từ nhiều luồng dư luận và từ chính các nghệ sĩ nhưng cuối cùng, Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã làm được và làm rất tốt.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh