CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:30

Kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII.


“Nhận viện trợ thì có kiện đòi lãnh thổ được không?”

Liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt trước việc Trung Quốc bồi đắp và xâm lấn ngày càng nghiêm trọng hơn trên Biển Đông, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đặt vấn đề: “Về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chính phủ đã báo cáo trước cử tri và trả lời chất vấn trước QH. Tuy nhiên, cho đến nay, việc bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo của chúng ta vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời một cách trọn vẹn”.

Lo lắng nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng sâu vào nền kinh tế Trung Quốc, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) nói: “Việc chúng ta phụ thuộc sâu vào nền kinh tế Trung Quốc sẽ đe dọa chủ quyền về kinh tế. Trung Quốc nổi tiếng về việc mang đồng tiền đi trước để chi phối về chính trị.

Cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này khi Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí đang chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe dọa sẽ tiếp tục chiếm nhiều hơn. Nhận viện trợ ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không?”.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng chất vấn: “Chính phủ sẽ có những chủ trương, giải pháp nào trước việc Trung Quốc bồi đắp và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên Biển Đông?”.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo QH về các vấn đề này. “Quan điểm, lập trường, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là rõ ràng, nhất quán, cơ bản là phù hợp, đã đạt được nhiều kết quả nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Chúng ta phải tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện sáng tạo, hiệu quả các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về các vấn đề mà ba đại biểu đã nêu”, Thủ tướng nói.

Nêu một số nội dung cơ bản của Đảng và Nhà nước trong vấn đề giải quyết bất đồng trên Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước ta. Cũng như Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các cam kết khu vực, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc và Tuyên bố giữa ASEAN – Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (DOC).

Bên cạnh đó, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, phải tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Cộng đồng quốc tế đối với chân lý, lẽ phải của chúng ta; gìn giữ hòa bình, ổn định; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

 

Gần 30 triệu người thoát nghèo trong 20 năm

Trả lời chất vấn của các đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng), Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) về nội dung giảm nghèo đa chiều và các giải pháp mà Chính phủ sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng nhấn mạnh: “Giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một mục tiêu của phát triển bền vững được nhân dân ta và cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ”.

Theo đó, trong những năm qua, chúng ta đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn 4,5% năm 2015, riêng các huyện nghèo giảm từ 58,3% xuống còn khoảng 28%. “Nhìn lại 20 năm qua, nước ta đã có khoảng 30 triệu người thoát nghèo. Đây là một thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới, được toàn xã hội và cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Thủ tướng cho biết.

Theo Thủ tướng, để phù hợp với yêu cầu phát triển, chúng ta quyết định chuyển sang sử dụng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều. Bởi, việc xác định chuẩn nghèo đơn chiều là chỉ dựa vào thu nhập như đang thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, chưa phản ánh được đầy đủ tình trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; việc phân loại, đánh giá, xác định đối tượng nghèo và xây dựng các chính sách giảm nghèo thiếu tính tổng thể, toàn diện. “Áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều, không chỉ sử dụng tiêu chí thu nhập mà còn sử dụng các tiêu chí về tiếp cận các nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu. Đây cũng là phương pháp phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự Phát triển bền vững”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết thêm, theo tính toán bước đầu, với chuẩn nghèo đa chiều, trong đó tiêu chí thu nhập là 700 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực thành thị, thì tỷ lệ hộ nghèo hiện nay khoảng 12%, tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6%, dự kiến ngân sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng nghèo, cận nghèo năm 2016 tăng khoảng 15 nghìn tỷ đồng so với năm 2015.

“Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện trong năm 2016, gắn với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016 - 2020 vừa được QH thông qua. Chính phủ cũng tiếp tục hoàn thiện, thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục, phát triển ngành nghề, khuyến nông, khuyến lâm... Trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực cho huyện nghèo, xã nghèo. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số”, Thủ tướng cho biết.       

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn Quốc hội.

Nghỉ hưu từ 1/2015 đến hết 4/2016 vẫn được nâng 8% lương hưu

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 78/QH 13 của Quốc hội về việc tăng lương cho người về hưu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Từ trước đến nay việc tăng lương cho cán bộ hưu và cán bộ đương chức được thực hiện đồng thời cùng một lúc. Tuy nhiên, do khả năng khó khăn của NSNN nên năm 2015, Quốc hội cho phép, trước mắt giải quyết nâng lương cho những người nghỉ hưu, những người có công, những người đang công tác với mức hệ số lương dưới 2,34 được nâng 8% từ ngày 1/1/2015.

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2016, từ 1/15/2015 sẽ thực hiện lộ trình tăng lương đối với cán bộ công chức là 5%. Như vậy, mặt bằng lương của cả công chức đương chức cũng như những người nghỉ hưu, người có công đã đều được thực hiện theo lộ trình nâng lương.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, những người từ 1/2015 đến hết 4/2016 lúc thực hiện chính sách hưu thì họ đang đương chức, nhưng khi thực hiện nâng lương cho những người đương chức vào 1/5 thì họ đã nghỉ hưu, liệu họ có bị thiệt thòi? Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Nghị quyết Quốc hội nêu rõ, riêng đối với những người nghỉ hưu vẫn nâng 8%. Vì vậy, trong khoảng thời gian những người nghỉ hưu từ  1/2015 đến hết 4/2016 vẫn được nâng 8% như các trường hợp đã được nâng 8% theo nghị quyết Quốc hội và chỉ được nâng khi có quyết định được nghỉ hưu”.

NGỌC ƯỚC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh