THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:53

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Chất vấn không phải “làm căng thẳng vấn đề lên”

Chủ tịch Nguyến Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp 10, QH khóa XIII

Theo chương trình kỳ họp, QH sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành phiên chất vấn. Theo đó, QH sẽ nghe lại báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC... “Đây là phiên chất vấn cuối cùng trong khóa này. QH sẽ đánh giá lại toàn diện các kết quả đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch QH, đối tượng chất vấn của đại biểu trong kỳ họp này rất rộng. Mục đích là để đánh giá lại xem yêu cầu của QH trong hoạt động giám sát, chất vấn đã được thực hiện như thế nào? Đã tốt chưa? Qua đó đã thúc đẩy hoạt động của bộ máy nhà nước thực hiện tốt những điều cử tri mong muốn chưa?... Đồng thời nhìn nhận rõ những tồn tại, những vấn đề cần khắc phục để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu và những người được chất vấn đi thẳng vào vấn đề, cùng thảo luận. Mục đích không phải là “làm căng thẳng vấn đề lên” mà là tìm giải pháp để thực hiện cho tốt, giải quyết cho tốt những vấn đề đặt ra.

Báo cáo QH việc thực hiện các Nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, đối lĩnh vực LĐ–TB&XH, thực hiện các Nghị quyết của QH, thời gian qua Chính phủ đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo bền vững, tập trung vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn đặc biệt khó khăn.  Hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nhà ở, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh dân tộc thiểu số, tín dụng ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh sinh viên... Đã ban hành chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng gắn với giảm nghèo ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

“Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 4,5%, riêng các huyện nghèo còn dưới 30%”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và tích cực thực hiện chế độ, chính sách người có công, đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ tồn đọng. Cơ bản hoàn thành tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công đối với gần 2,1 triệu người; hỗ trợ về nhà ở cho trên 72 nghìn hộ. Tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; thực hiện các đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trong giai đoạn 2011 - 2015, đã đưa trên 450 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Thúc đẩy mở rộng thị trường, nhất là thị trường có thu nhập cao. Đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy ngoại ngữ; hỗ trợ các huyện nghèo xuất khẩu lao động. Kịp thời đưa người lao động về nước an toàn khi xảy ra xung đột ở nước sở tại. Tăng cường quản lý nhà nước; thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đối với lĩnh vực đào tạo nghề, đã tổ chức, sắp xếp lại các trung tâm đào tạo nghề và giáo dục thường xuyên trên địa bàn cấp huyện. Đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình, giáo trình và định hướng dạy nghề theo nhu cầu xã hội. Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách dạy nghề; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, tuyển mới dạy nghề đạt khoảng 9,2 triệu lượt người, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho gần 2,4 triệu lao động nông thôn.

Triển khai thực hiện chính sách, pháp luật; đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng từ 9,7 triệu năm 2011 lên trên 12 triệu năm 2015.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số chính sách giảm nghèo còn chồng chéo. "Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc, tồn đọng trong thực hiện chính sách người có công. Còn tình trạng lao động làm việc ở nước ngoài vi phạm pháp luật; chưa đạt mục tiêu đề ra đối với xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu dạy nghề; chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề còn hạn chế, nhất là đối với lao động nông thôn”, Phó Thủ tướng nêu thực trạng.

NGỌC ƯỚC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh