THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:54

Đổi mới hình thức chất vấn, bàn nhiều luật liên quan đến xã hội dân sự

Bàn nhiều luật liên quan đến xã hội dân sự

Tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp 10, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, dự kiến sẽ dành 19 ngày để thảo luận, xem xét thông qua 18 luật, 16 nghị quyết (trong đó có 3 nghị quyết chứa quy phạm pháp luật) và cho ý kiến 8 dự án Luật. Kỳ họp này, QH sẽ tập trung xem xét, thông qua các dự án luật quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp như hoạt động điều tra, công tố, kiểm sát, xét xử, thi hành án. “QH cũng dành thời gian để thảo luận, cho ý kiến về nhiều đạo luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp nhằm hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân”, ông Dũng nói. 

 Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định điểm mới ở kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn

Ban hành các đạo luật về xã hội dân sự, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc là để triển khai thực hiện các nội dung quan trọng của Hiến pháp. Các dự án luật liên quan đến xã hội dân sự mà Quốc hội sẽ bàn tại kỳ họp này được ông Phúc nhắc đến như Luật Về hội, Luật tôn giáo tín ngưỡng… 

Sẽ rất mới tại kỳ họp này, theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Tình hình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước luôn là chủ đề quan tâm của ĐBQH, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Theo thông lệ kỳ họp cuối năm, QH sẽ thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016. 

Trong số 8 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến, đáng chú ý có Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (sửa đổi). Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, việc sửa đổi luật lần này góp phần thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về việc thực hiện các quyền trẻ em, tuân thủ các Điều ước quốc tế mà VN đã ký kết hoặc tham gia.

Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) gồm 6 chương với 96 điều (tăng 36 điều so với Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành) tập trung bổ sung, sửa đổi các quy định về quyền và bổn phận của trẻ em; quy định về hệ thống bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện các quyền trẻ em. 

QH chất vấn tổng thể cả nhiệm kỳ

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, thay vì QH chất vấn một số thành viên chính phủ được dự tính trước, kỳ họp lần này sẽ thực hiện chất vấn tổng thể cả nhiệm kỳ. Theo đó, các thành viên Chính phủ sẽ báo cáo việc thực hiện 8 nghị quyết chất vấn của QH trong cả nhiệm kỳ. Sau đó các Ủy ban sẽ đọc báo cáo thẩm tra các báo cáo này.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, kỳ họp này, QH sẽ tập trung xem xét, thông qua các dự án luật quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp như hoạt động điều tra, công tố, kiểm sát, xét xử, thi hành án

Trên cơ sở đó, QH sẽ xem xét cam kết của các bộ trưởng, các ngành đã hứa trong cả nhiệm kỳ được triển khai thực hiện như thế nào, cái nào đã hoàn thành, cái nào chưa. Căn cứ vào đó, các ĐBQH sẽ chất vấn những vấn đề còn băn khoăn, những vấn đề các thành viên Chính phủ đã cam kết nhưng chưa thực hiện.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin thêm, phiên chất vấn vẫn giữ thời gian 2,5 ngày như trước đây, với sự tham gia của tất cả các thành viên Chính phủ và cả Thủ tướng để QH, đại biểu QH chất vấn bất cứ thành viên nào cần chất vấn. Thủ tướng sẽ trả lời những gì liên quan đến Thủ tướng và bao quát lại những vấn đề chung.

Theo ông Phúc, sau phiên Chất vấn, QH sẽ ra nghị quyết, gửi lại QH khóa sau tiếp tục giám sát. “Đây là một điểm đổi mới của QH. Cách làm mới này chưa kỳ họp nào thực hiện. Việc này cũng là để đảm bảo giám sát đến cùng”, ông Phúc nhấn mạnh.

Cùng với đó, QH sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội, phê chuẩn Phó Chủ tịch và ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử ĐBQH, bầu cử ĐB HĐND các cấp… Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, Hội đồng bầu cử sẽ có 15 – 21 thành viên. Hội đồng Bầu cử dự kiến có 21 thành viên. Kỳ họp QH lần này sẽ công bố ngày bầu cử toàn quốc vào 22/5/2016.

Thanh Nhung/Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh