Kiên Giang: Mô hình liên kết ba nhà trong dạy nghề cho lao động nông thôn
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:31 - 10/02/2017
Thực hiện theo mô hình này, “Nhà nước” xây dựng quy hoạch định hướng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của các ngành cho từng giai đoạn; hoạch định chính sách, hình thành khung pháp lý và cơ chế chính sách cho phát triển nhân lực.
Hội nghị công tác LĐ- TB&XH Kiên Giang 2017
“Nhà trường” không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển chuyên sâu đối với đội ngũ giáo viên thông qua đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng, trau dồi kinh nghiệm thực tế ở những lĩnh vực đang đảm trách. Hoàn thiện khung chương trình đào tạo với định hướng tiếp cận nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, gắn kết với công nghệ, thiết bị hiện có của doanh nghiệp để dạy thực hành cho học viên.
“Nhà doanh nghiệp” xây dựng cơ chế lương, thưởng linh hoạt để thu hút, giữ chân và phát huy vai trò nhân lực đang làm việc tại doanh nghiệp; chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại thông qua việc liên kết với nhà trường; bố trí thời gian hợp lý cho lao động khi tham gia các lớp đào tạo; có chính sách thích hợp trong thu hút nguồn nhân có chất lượng cao vào làm việc tại doanh nghiệp.
Thực hiện mô hình này, thời gian qua, Trường Trung cấp nghề vùng Tứ Giác Long Xuyên đã vận dụng linh hoạt, bám sát địa bàn và doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu thực tiễn của doanh nghiêp và đã đào tạo thành công mô hình “liên kết đào tạo 3 nhà” cho các doanh nghiệp thuộc Vùng Tứ Giác Long Xuyên đặc biệt là huyện Kiên Lương và Giang Thành. Đã có hàng ngàn lao động nông thôn trong khu vực được đào tạo cung ứng một phần nhu cầu lao động có tay nghề cho doanh nghiệp. Kết quả có 100% lao động qua đào tạo theo mô hình này được giải quyết việc làm, đúng theo cam kết ban đầu khi ký hợp đồng giữa trường và doanh nghiệp.
Trồng hoa nghề cho thu nhập khá ở Kiên Giang
Số lao động theo mô hình này rất đa dạng và ở nhiều ngành nghề như: Nuôi tôm xú, tôm thẻ, nuôi cá bống mú lồng bè, cá chẽm,…. Chế biến thủy sản (tôm, mực), may bao bì, sản xuất gạch theo công nghệ Tuynel, kỹ năng bán hàng, Nghiệp vụ lễ tân, Nghiệp vụ buồng bàn, nấu ăn… đã cung cấp nguồn lao động có tay nghề cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Thời gian tới, Kiên Giang sẽ tổ chức đánh gia, tổng kết, khắc phục những khó khăn tồn tại như: nhiều doanh nghiệp chưa hào hứng với hoạt động này, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo yêu cầu về mặt công nghệ hiện có cũng như kỹ năng mà chủ doanh nghiệp đề ra là không dễ....
Tuy nhiên, mô hình này hỗ trợ doanh nghiệp rất lớn, nó không chỉ góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh, góp phần vào hiệu quả giải quyết việc làm khi đào tạo cho lao động nông thôn mà còn là một cú hích để các trường dựa vào đó để tiếp cận doanh nghiệp tốt hơn, mở ra nhiều hướng mới cho nhà trường./.