THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:25

Kiên Giang: Dạy nghề cho gần 130 ngàn lao động nông thôn

 

Trong những năm qua, Kiên Giang đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cho công tác giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đào tạo nghề không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng đào tạo được nâng lên từng bước đáp ứng nhu cầu hội nhập khu vực, quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt từ 70 - 80%, cá biệt có một số ngành nghề tỷ lệ có việc làm 100%. 

         Hội nghị bàn giải pháp cho dạy nghề LĐNT ở Kiên Giang 

Tỉnh đã xây dựng và lồng ghép các đề án, chương trình như: Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn; chương trình xây dựng phát triển nông thôn mới; dự án vay vốn giải quyết việc làm, kế hoạch đào tạo lao động có tay nghề làm việc khu, cụm công nghiệp, khu du lịch; kế hoạch đào tạo lao động nhân lực có tay nghề cao… để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, vẫn đang tồn tại tình trạng, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác đào tạo nghề, cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm, trình độ lao động nông thôn còn thấp, thiếu lao động có tay nghề cao theo nhu cầu các ngành công nghiệp. Một số lao động sau học nghề chưa làm đúng với nghề được đào tạo, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh hiệu quả chưa cao. 

Tư vấn học nghề và việc làm cho người lao động 

Một số cấp ủy, chính quyền chưa quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có đào tạo nghề. Việc quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo nghề chưa đúng mức, chưa khoa học. Cùng với đó, trình độ học vấn của lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn còn thấp, tác phong làm việc và việc ý thức chấp hành nội quy, quy chế của lao động tại các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, là rào cảng trong công tác giải quyết việc làm.  

Dạy nghề cho lao động nông thôn là đồng bào dân tộc Kh'mer 

Để tháo gỡ rào cản, khắc phục tình trạng trên, Kiên Giang đang triển khai quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng phát triển mỗi huyện, thị xã có trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Cứ ba đơn vị hành chính cấp huyện có một trường trung cấp nghề; toàn tỉnh có từ hai đến ba trường cao đẳng nghề, trong đó huyện đảo Phú Quốc phát triển một số trường nghề chất lượng cao. Tỉnh đề ra mục tiêu, đến năm 2020 có 33 cơ sở, trong đó 27 cơ sở công lập và sáu cơ sở ngoài công lập bảo đảm đủ điều kiện dạy nghề chất lượng.

Đảm bảo có trên 80% số lao động học nghề ra trường có việc làm đúng nghề đã học, phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của bốn vùng trọng điểm là tứ giác Long Xuyên, tây sông Hậu, U Minh Thượng và vùng biển đảo.

Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động dạy nghề trước mắt là phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp rộng hơn là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia giải quyết việc làm. Ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường trung cấp nghề vùng U Minh Thượng, Tân Hiệp, vùng tứ giác Long xuyên, Trường Việt – Hàn – Phú Quốc nhằm sớm ổn định và khai thác đạt hiệu quả.

Ngoài ra, tỉnh còn rà soát, bổ sung các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu học nghề của xã hội, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, địa phương. Đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình dạy nghề đạt hiệu quả, song song với việc phối hợp các doanh nghiệp tham gia ký kết bao tiêu sản phẩm, nhằm ổn định thị trường, thu nhập và tăng trưởng kinh tế.

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh