Cần Thơ: Nhiều giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Bài thuốc hay
- 16:00 - 04/12/2017
Theo báo cáo của Phòng LĐ TB&XH quận Cái Răng, năm 2017 địa phương này đã tổ chức đào tạo 15 lớp nghề phi nông nghiệp với trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 2 tháng cho 521 học viên tham dự và 4 lớp trung cấp nghề đào tạo theo mô hình vừa học văn hóa vừa học nghề cho 135 học viên, 2 lớp bảo trì và sửa chữa ô tô, 1 lớp điện công nghiệp và dân dụng, 1 lớp chăn nuôi thú y. Báo cáo cũng cho biết theo khảo sát sau khi học xong có 80% học viên điều vận dụng nghề đã được học tại các công ty, doanh nghiệp và tự sản xuất làm kinh tế tại gia đình.
Trong năm qua, Phòng LĐTB&XH quận đã phối hợp với công ty sản xuất đế giày Tae Kwang tại Cần Thơ và Trung tâm dạy nghề Tây Đô mở 7 lớp nghề kỹ thuật may giày da, cho 245 học viên theo học nhằm cung ứng nguồn lao động cho công ty này. Đây là mô hình mới trong năm 2017 quận Cái Răng thực hiện đào tạo nghề theo yêu cầu đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ngoài ra huyện còn có 5 mô hình có hiệu quả đang triển khai tại các phương trên địa bàn quận.
Công ty sản xuất đế giày Tae Kwang tham gia tuyển lao động tại quận Cái Răng
Đạt được những kết quả như trên, chính là nhờ trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan của quận Cái Răng và thành phố Cần Thơ. Thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó, các địa phương cũng chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ; hướng dẫn cụ thể để các cơ sở đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên và đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực hiện; chủ động tham mưu cho UBND thành phố bố trí nguồn lực cho công tác đào tạo nghề…
Thực tế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn Cần Thơ cho thấy, nơi nào chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo thì người lao động có cơ hội học nghề và phát triển kinh tế tại địa phương. Đại diện phòng LĐ TB&XH quận Cái Răng cho biết, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, quận đã tích cực phối hợp với các Trung tâm dạy nghề, UBND các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, nắm rõ nhu cầu học của lao động trên địa bàn quận. Tại các lớp học nghề, các học viên sau khi học lý thuyết sẽ được đào tạo mở rộng bằng cách kết hợp với nhiều mô hình thực tế, giúp họ có điều kiện áp dụng vào sản xuất một cách có hệ thống, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác đào tạo nghề thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn quận cũng đang còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Công tác xác định nghề và đăng ký nhu cầu học nghề tại các địa phương một số nơi vẫn chưa xác với định hướng phát triền kinh tế xã hội của từng địa phương và nhu cầu học nghề của người lao động nên vẫn còn một số lớp đào tạo nghề chưa đạt tỉ lệ học sinh tham gia. Bên cạnh đó, hiện nay một số Trung tâm dạy nghề chỉ đào tạo dừng ở mức sơ cấp hoặc dạy nghề ngắn hạn, nên sau khi học xong người lao động không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Cần tổ chức nhiều hơn nữa các lớp trung cấp nghề tạo nền tảng cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra công tác tuyên truyền vẫn chưa được quan tâm đúng mức, sự phối hợp giữa đơn vị đào tạo và các địa phương chưa được chặt chẽ, đồng bộ tại một số địa phương. Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động còn ngại khó, tâm lý ngại xa gia đình, không muốn đi làm xa nhà, ỷ lại vào sự trợ giúp của nhà nước, chưa xác định được động cơ của việc học nghề là giải quyết việc làm thoát nghèo…
Để giải quyết các vấn đề trên, trong thời gian tới quận Cái Răng sẽ tổ chức nhiều chương trình tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho các cán bộ phụ trách đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Phát triển đa dạng các loại hình và hình thức đào tạo nghề, đồng thời tổ chức nhiều hơn nữa các lớp trung cấp nghề tạo nền tảng cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.