THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:00

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Nút thắt giúp nông dân thoát nghèo

Nhiều lao động thành công nhờ học nghề

Chị Nguyễn Thị Gấm ngụ tại phường Trường Lạc quận Ô Môn, không may mắn khuyết tật chân từ nhỏ dẫn đến việc đi lại khó khăn. Do đó, việc tìm được một chỗ làm trở nên khó khăn hơn với chị nên mọi chi phí trong gia đình với 5 miệng ăn chủ yếu dựa vào thu nhập của chồng chị nhưng gia đình chị vẫn luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, nợ nần do vay mượn trong những lúc ốm đau. Tuy nhiên, trong vài tháng trở lại đây niềm hi vọng cải thiện thu nhập cho gia đình của chị Gấm được tiếp thêm sức thông qua việc chị được tạo điều kiện để tham gia vào lớp đào tạo nghề may công nghiệp tại địa bàn chị đang cư trú. Chị Nguyễn Thị Gấm chia sẻ: "Năm nay, phường tổ chức lớp nghề tại khu vực, gần nhà nên tôi có điều kiện học may. Tôi cố gắng học đầy đủ, thạo nghề, để Hội Phụ nữ giới thiệu nhận hàng may gia công, có thu nhập phụ giúp chồng chăm lo các con học hành”.

Cũng có hoàn cảnh khó khăn như chị Gấm, cô Nguyễn Thị Tám ngụ tại khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn cũng đang tích cực tham gia vào lớp đạo tạo nghề đan dây nhựa và nhận nguyên liệu gia công bàn ghế. Đặt nhiều hi vọng cải thiện mức thu nhập thông qua việc tham gia vào khóa đào tạo nghề, cô Tám cho biết: "Tôi học nghề khoảng 2 tuần và đan được sản phẩm. Mỗi ngày, tôi đan bình quân 2 cái ghế, thu nhập 28.000 đồng, gói ghém đủ trang trải chi tiêu. Tôi và chị em mong muốn nguồn hàng dồi dào, liên tục để có việc làm, thu nhập lâu dài”

Một lớp đào tạo nghề may tại huyện Ô Môn

Là một tấm gương điển hình cho thành công của chương trình đào tạo nghề giúp lao động nông thôn cải thiện thu nhập từng bước thoát nghèo hiệu quả, chị Tô Thị Trinh An (34 tuổi) ngụ xã Long Hưng, quận Ô Môn cũng tham gia vào với đào tạo nghề may và là một trong những tấm gương điển hình cho các học viên có việc làm ổn định sau khi học nghề. Năm 2015, chị tham gia lớp đào tạo nghề may do Trung tâm Dạy nghề quận Ô Môn tổ chức. Sau khi xong khóa đào tạo chị đã có thể tự mở cơ sở may tại gia đình, đồng thời hướng dẫn, dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều người. Sau khi có tay nghề vững vàng học tại cơ sở của chị nhiều người đã xin việc làm tại các công ty may khác trên tại thành phố Cần Thơ, hoặc mở cơ sở tại nhà và phần lớn họ điều có thu nhập ổn định đồng thời vừa có thể chủ động làm các công việc gia đình, cá nhân.

Tấm gương lao động điển hình học nghề thông qua các lớp đào tạo nghề tại Cần Thơ phải kể đến mô hình đan dây nhựa xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ. Chị Dương Thị Đẹp- Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Hưng, phấn khởi: “Năm 2015, Hội LHPN xã thành lập mô hình đan dây nhựa. Đến tháng 3-2016, mô hình chính thức trở thành tổ hợp tác, mở rộng hoạt động, giúp chị em có thu nhập ổn định. Để hỗ trợ các thành viên, Hội LHPN xã Thới Hưng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Cờ Đỏ mở các lớp nghề đan dây nhựa; đồng thời, hỗ trợ các thành viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cùng với hỗ trợ vay vốn, thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp Trung tâm GDNN - GDTX huyện mở thêm nhiều lớp nghề đan dây nhựa, giúp chị em nâng cao tay nghề, có thu nhập ổn định” …

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Sau những kết quả khả quan trong công tác đào tạo nghề tại địa phương, chính quyền các cấp tại thành phố Cần Thơ xác định tục đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều. Nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và thu nhập cho người lao động địa phương.

Mô hình đan dây nhựa ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền

Theo Sở lao động- thương binh và xã hội Cần Thơ (LĐ-TB&XH) cho biết, hiện Thành phố có 73 đơn vị thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó, có 7 trường cao đẳng, 3 phân hiệu đào tạo trình độ cao đẳng trở xuống; 14 trường đào tạo trình độ trung cấp trở xuống; 25 trung tâm GDNN; 24 cơ sở doanh nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; Trong 6 tháng đầu năm 2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 20.899 người, đạt 50,97 % so với kế hoạch năm 2017, tăng 6,9% so cùng kỳ năm 2016. Đến nay đã tổ chức khai giảng 60 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 2.100 học viên; Tổ chức 01 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 120 cán bộ phụ trách công tác quản lý lao động quận, huyện, xã, phường, thị trấn.... Đây là kết quả tích cực trong công tác đào tạo nghề tại địa phương, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương.

Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ tiếp tục rà soát đề án đào tạo nghề lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020. Kiểm tra khảo sát các ngành nghề đào tạo theo thực tế. Đồng thời, hướng dẫn, triển khai cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố đăng ký năng lực dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2018 và các lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho các quận, huyện...

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh