THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:27

Tỷ lệ nữ ĐBQH của VN cao hơn mức trung bình thế giới

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ trình bày Báo cáo về việc thực hiện Mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới 

Phụ nữ được khuyến khích tham gia các hoạt động kinh tế, khởi nghiệp, làm chủ DN 

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ trình bày Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia này.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

 

Trình bày Báo cáo thẩm tra, bà Nguyễn Thúy Anh đã đưa ra nhiều nhận xét nổi bật về tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Theo đó, công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã tạo nên hệ thống quy định pháp luật tương đối hoàn thiện, đồng bộ về BĐG, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ mới.

Báo cáo thẩm tra đánh giá, việc lồng ghép vấn đề BĐG đã bảo đảm tốt hơn quyền lợi chính đáng của phụ nữ, đặc biệt trong các lĩnh vực: lao động, việc làm, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, doanh nghiệp, quan hệ dân sự, đất đai, môi trường, bảo hiểm xã hội, hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, hình sự và pháp luật về tố tụng...

“Nhận thức về BĐG trong cán bộ, nhân dân đã có những chuyển biến nhất định mặc dù vẫn còn khoảng cách giữa quy định của chính sách, pháp luật với việc thực hiện trong thực tiễn. Ủy ban về các vấn đề xã hội đánh giá cao những kết quả, nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về BĐG cũng như các bộ, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BĐG trên cơ sở mở rộng quy mô, đối tượng và triển khai các hình thức phong phú mà Chính phủ đã đề cập trong Báo cáo”, bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định.

Thẩm tra trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, Ủy ban về các vấn đề xã hội đánh giá, chỉ tiêu tỷ lệ nữ trong tổng số người được tạo việc làm mới, đạt 48% ngay từ năm đầu thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG (so với kế hoạch là 40% cho mỗi giới) đã được duy trì ổn định đến nay. Phụ nữ làm chủ cơ sở kinh doanh chiếm 31,6%. Tuổi bình quân khi nghỉ hưu của lao động nữ (54,1 tuổi 2016; 53,8 tuổi 2017) chỉ thấp hơn khoảng 3 tuổi so với lao động nam  (57 tuổi).

Thẩm tra trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Ủy ban các vấn đề xã hội nhận định, về cơ bản, các nhà khoa học nữ được tạo điều kiện như nam giới để thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, phát huy khả năng sáng tạo, chủ động trong nghiên cứu, cũng như trong việc xét, tặng thưởng cho công trình khoa học và công nghệ xuất sắc. 

"Có nhiều tấm gương phụ nữ được tặng danh hiệu anh hùng lao động. 45 cá nhân và 18 tập thể các nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên được trao giải thưởng Kovalevskaia", bà Nguyễn Thúy Anh cho biết.

“Nhìn chung, phụ nữ được khuyến khích tham gia các hoạt động kinh tế, khởi nghiệp, làm chủ doanh nghiệp; phụ nữ nghèo, phụ nữ ở khu vực nông thôn được hỗ trợ vay vốn, tiếp cận tín dụng”, bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định thêm.

2020: Tỷ lệ nữ thạc sĩ, tiến sĩ có khả năng đạt chỉ tiêu

Cùng với đó, khoảng cách giới trong tiếp cận giáo dục ngày càng được thu hẹp đáng kể trong những năm gần đây. Phụ nữ và trẻ em cơ bản được bình đẳng trong giáo dục - đào tạo, tỷ lệ nữ thạc sĩ, tiến sĩ có khả năng đạt chỉ tiêu vào năm 2020.

Báo cáo thẩm tra ghi nhận, nếu như trong các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG từ năm 2016 trở về trước chưa báo cáo tỷ lệ nữ thạc sỹ, tiến sĩ theo quy định thì tại Báo cáo lần này, Chính phủ cung cấp số liệu của năm 2014, là 43% nữ thạc sĩ và 21% nữ tiến sĩ, có thể đánh giá đạt nếu so với kế hoạch (40% và 20% vào năm 2015; 50% và 25% vào năm 2020).

Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra, thực tế cho thấy, vẫn còn khoảng cách giới trong tiếp cận giáo dục giữa các nhóm dân tộc, các khu vực, vùng miền.

Cùng với đó, số lượng phụ nữ tham gia hoạt động chính trị ngày càng tăng với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương đều tăng rõ rệt…

“Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV là 26,72%, tăng so với hai khóa trước đó, cao hơn mức trung bình của thế giới (23,6%) và giữ vị trí tương đối trong khu vực. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ”, Báo cáo của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu.

Báo cáo cho hay, tỷ lệ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị tuy đã có tiến bộ, song vẫn chưa đạt chỉ tiêu. Trong các cấp ủy Đảng và hệ thống hành pháp, số phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là cấp trưởng, so với nam giới còn khoảng cách rất xa.

"Tỷ lệ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt cao nhất là 50% vào năm 2013 và 2014 nhưng lại giảm dần trong các năm gần đây (năm 2015 là 47%, đến nay là 40%) và so với chỉ tiêu 95% vào năm 2020 thì khoảng cách còn rất xa. Đặc biệt, mới chỉ có 01 Bộ trưởng và 01 người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ là nữ. Điều đó cho thấy mục tiêu đặt ra nhưng không có sự chỉ đạo, lãnh đạo phát hiện bồi dưỡng đào tạo thì khó đạt được”, bà Thúy Anh đẫn chứng.

 

Cùng với đó, bà Thúy Anh cho biết, các chỉ tiêu trong lĩnh vực y tế liên quan đến trẻ em, phụ nữ mang thai, bà mẹ đều có kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dân số và sức khỏe của phụ nữ và trẻ em.

“Số lượng phụ nữ nỗ lực vươn lên, khẳng định mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng nhiều. Vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình cũng có sự thay đổi tích cực. Bộ máy tổ chức làm công tác BĐG được hình thành và kiện toàn…”, Báo cáo thẩm tra đánh giá.

Kinh phí eo hẹp ảnh hưởng đến Chương trình quốc gia về BĐG

Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra Bình đẳng giới trong một số lĩnh vực còn hạn chế. Vẫn còn những tồn tại, khó khăn lẫn thách thức, như nhận thức về BĐG trong một số bộ phận nhân dân và cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc và toàn diện.

Rồi định kiến giới trong xã hội vẫn tồn tại; thực trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em; bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em và tình trạng xâm hại tình dục trẻ em còn tiếp diễn; vấn đề tảo hôn ở một số vùng miền và đồng bào dân tộc thiểu số còn phổ biến.

Vẫn còn đó những tiêu cực trong dịch vụ môi giới phụ nữ lấy chồng người nước ngoài và một số hệ quả về vấn đề tư pháp liên quan đến việc đăng ký khai sinh, quốc tịch và nhập học cho trẻ trong trường hợp ly hôn; dịch HIV/AIDS ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội và đời sống gia đình…

BĐG trong một số lĩnh vực còn hạn chế như lao động nữ còn nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm và các điều kiện lao động. Vẫn còn khoảng cách giới về giáo dục và y tế giữa các khu vực, vùng miền và các nhóm dân tộc. Phụ nữ vẫn chịu gánh nặng kép về công việc xã hội và chăm sóc gia đình.

Báo cáo thẩm tra cũng nhận định, một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, là do trong tình hình ngân sách khó khăn, kinh phí bố trí cho Chương trình quốc gia về BĐG có xu hướng giảm dần, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai công tác này. Năm 2016, Chính phủ bố trí hơn 9 tỷ đồng cho Dự án “Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu về BĐG”; năm 2017, kinh phí bố trí cho dự án này là hơn 19 tỷ đồng nhưng việc phân bổ chậm trễ, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện ở các cấp trên toàn quốc.

Nhưng những khó khăn tồn tại ấy, vẫn không ngăn cản được nỗ lực hoàn thành tốt các mục tiêu về Bình đẳng giới. 

“Trong tổng số 22 chỉ tiêu của 7 mục tiêu quốc gia về BĐG, có 6 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 1 chỉ tiêu tiệm cận kế hoạch thuộc các lĩnh vực y tế, kinh tế - lao động, giáo dục - đào tạo. Riêng lĩnh vực y tế có 4 chỉ tiêu đều đạt hoặc có khả năng đạt vào năm 2020”, bà Nguyễn Thúy Anh báo cáo trước Quốc hội.

*Báo Dân Sinh sẽ tiếp tục cập nhật thông tin trong các bài tiếp theo.

 

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh