Kích cầu du lịch hậu dịch COVID-19 tại Thừa Thiên - Huế: “Đã làm thì làm lớn, có tiếng vang”
- Văn hóa
- 04:02 - 29/04/2020
"Mở vàng" du lịch Thừa Thiên - Huế trước và sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới
Chiều 28/4, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có buổi làm việc với các Sở, ngành liên quan về các giải pháp phục hồi, kích cầu phát triển du lịch tỉnh sau những tác động của dịch bệnh COVID-19.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó ngành du lịch là một trong những ngành bị tác động lớn, nhiều chỉ tiêu về du lịch giảm. Do đó, việc đánh giá đúng thực trạng, đề ra các giải pháp, gói hỗ trợ doanh nghiệp du lịch để thực hiện các chương trình kích cầu, phục hồi và phát triển ngành du lịch trở lại là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Các giải pháp được đưa ra sẽ là căn cứ để UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cho các ngành, đơn vị liên quan cùng phối hợp thực hiện, đảm bảo phục hồi và phát triển ngành du lịch Thừa Thiên – Huế một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Trình bày về đề án phục hồi, kích cầu phát triển du lịch sau dịch bệnh, ngành Du lịch Thừa Thiên – Huế cho rằng, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào các giải pháp, như: kiến nghị với Trung ương triển khai các cơ chế, gói hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, giá điện, thời gian nộp bảo hiểm xã hội; giảm chi phí cho các hãng bay tại sân bay Phú Bài... Huế nên khai các chương trình kích cầu du lịch như tổ chức Hội nghị lữ hành toàn quốc trong tháng 5/2020 để kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và dịch vụ du lịch; giảm giá vé tham quan các điểm di tích; tặng các sản phẩm dịch vụ kèm theo tại cơ sở lưu trú; tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ trong tỉnh liên kết với nhau để hình thành, cung cấp các combo, chương trình, sản phẩm trọn gói hấp dẫn, giá cả ưu đãi cho khách đến Thừa Thiên - Huế; tổ chức các lễ hội, sự kiện để thu hút du khách như Festival Huế 2020, Lễ hội Huế - Kinh đô ẩm thực, Lễ hội Huế - Kinh đô áo dài... Triển khai công tác xúc tiến quảng bá tập trung, hiệu quả.
Về đối tượng khách du lịch, trước mắt, Thừa Thiên – Huế sẽ tập trung chủ yếu là thị trường khách du lịch nội địa.
Trên cơ sở đề án nói trên, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị ngành Du lịch tiếp tục rà soát lại những những chính sách kiến nghị với Trung ương, đảm bảo phải phù hợp, đúng pháp luật, tránh mất thời gian. Những việc nào thuộc thẩm quyền của tỉnh nếu và có thể làm được thì làm ngay thì cho triển khai ngày, càng sớm càng tốt.
Để hoàn thiện đề án, ông Thọ cho rằng, các chính sách hỗ trợ, kích cầu không nên nhỏ nhoi quá, đã làm thì làm lớn, có tiếng vang để xây dựng hình ảnh du lịch Thừa Thiên – Huế. Những giải pháp kích cầu phải thực hiện vào thời gian phù hợp, tập trung vào 1 thời gian nhất định. Các nhiệm vụ cần thực hiện một cách đồng bộ, như: quan tâm đến cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường; phổ biến rộng rãi bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch; thúc đẩy mạnh mẽ du lịch thông minh, tập trung thực hiện đăng ký lưu trú trên hệ thống HueS; đẩy mạnh quảng bá, truyền thông du lịch Huế, lồng ghép vào các hoạt động để quảng bá thương hiệu.
Về lâu dài, ông Thọ cho rằng Thừa Thiên – Huế cần tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Du lịch mà là nhiệm vụ chung của các ngành, của doanh nghiệp. Vì vậy việc chung tay thực hiện nhiệm vụ cũng như xây dựng hình ảnh tốt để thúc đẩy du lịch phát triển trong thời điểm này là hết sức quan trọng.
"Có các giải pháp sớm, đi trước các địa phương khác sẽ giúp Huế tạo dựng được hình ảnh tốt, thu hút du khách trở lại Huế nhiều hơn, tạo ra sự phát triển bền vững cho ngành du lịch trong tương lai", ông Thọ yêu cầu.