THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:35

Khuyến khích tố giác DN xuất khẩu lao động thu phí sai quy định

 

Lao động Việt Nam được chủ sử dụng Đài Loan đánh giá cao

Việt Nam đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan kể từ tháng 11/1999 theo Thoả thuận về gửi và tiếp nhận lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc. Từ đó tới nay, lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc tăng nhanh theo các năm. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước từ tháng 11/1999 đến hết tháng 9/2015, Việt Nam đã đưa 541.491 lượt người sang làm việc tại Đài Loan. So với các quốc gia phái cử khác, phần đông NLĐ Việt Nam được chủ sử dụng lao động Đài Loan đánh giá là chăm chỉ, cần cù và thông minh; chính vì vậy mà số lượng người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động lựa chọn khá cao và luôn đứng vị trí thứ 2 và thứ 3 trong số 6 nước đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan từ năm 2004 đến nay.

 

Ảnh minh họa

 

Từ tháng 1/2005, Đài Loan tạm dừng tiếp nhận lao động thuyền viên gần bờ và giúp việc gia đình của Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn này các doanh nghiệp đã tích cực khai thác đơn hàng thuộc lĩnh vực nhà máy công xưởng (sản xuất chế tạo, dệt may, cơ khí), khán hộ công tại bệnh viện và các trại điều dưỡng; Do vậy, số lao động nhà máy, công xưởng tăng lên đáng kể nên trong giai đoạn này số lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan vẫn tăng hàng năm. Nếu so sánh với các thị trường trọng điểm khác Việt Nam đưa lao động đi gồm Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông và Hàn Quốc thì Đài Loan là thị trường Việt Nam đưa được số lượng lao động nhiều nhất, chiếm 49,43% số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài 7 năm gần đây của Việt Nam.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đưa lao động sang Đài Loan hiện vẫn còn một số tồn tại như: Tình trạng lao động bỏ hợp đồng là vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua (đây là nguyên nhân dẫn đến việc phía Đài Loan không cấp phép cho doanh nghiệp mới hoạt động đưa lao động sang Đài Loan và dừng việc gửi và tiếp nhận lao động thuyền viên tàu cá gần bờ và lao động gia đình trong giai đoạn từ tháng 1/2005 đến tháng 7/2015); Tình trạng các doanh nghiệp thu phí sai quy định, chi trả tiền môi giới cao để giành đơn hàng vẫn còn tồn tại mặc dù kể từ năm 2012 lộ trình giảm chi phí của người lao động đã đưa chi phí quy định gần với thực tế thị trường.

Đặc biệt, vẫn có tình trạng nhiều doanh nghiệp không trực tiếp tuyển chọn lao động, lấy lao động qua các trung gian môi giới nhưng không kiểm tra kỹ; không tổ chức đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cho người lao động, dẫn đến tình trạng người lao động không nắm rõ công việc và hợp đồng lao động ở nước ngoài, không nắm rõ công ty đưa đi, không biết các kênh bảo vệ lao động hợp pháp...

Quyết liệt tìm giải pháp giảm lao động bỏ trốn và kiểm soát chi phí

Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, trước những tồn tại ở thị trường này, Cục đang và sẽ tiếp tục khắc phục, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đối với lao động bỏ trốn như: Tiến hành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan bỏ hợp đồng; Tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở trong và ngoài nước tổ chức tuyên truyền về quy định xử phạt vi phạm hành chính, vận động khuyến khích người lao động bỏ trốn tự nguyện đăng ký về nước. Bên cạnh đó, Cục cũng chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp chặt chẽ với đối tác và chủ sử dụng lao động quản lý, theo dõi tình hình lao động đang làm việc tại Đài Loan, đặc biệt là số lao động sắp hết hạn hợp đồng để động viên người lao động về nước đúng hạn.

Về vấn đề liên quan đến chi phí, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp hai bên thoả thuận thống nhất cùng cam kết thực hiện đúng các quy định về đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan; Khuyến khích các doanh nghiệp giám sát việc thực hiện lẫn nhau, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện đúng quy định, cạnh tranh không lành mạnh hoặc những đối tác yêu cầu phí cao để xử lý theo quy định. Đặc biệt khuyến khích NLĐ hoặc gia đình NLĐ Việt Nam làm việc tại Đài Loan tố giác các công ty Việt Nam và Đài Loan thu phí cao hơn quy định, nếu sau khi kiểm tra phát hiện chính xác việc thu phí sai quy định sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng hoạt động đưa và tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan của công ty hai bên, đồng thời sẽ xử phạt nghiêm các doanh nghiệp Việt Nam theo quy định.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong thời gian tới sẽ thực hiện việc rà soát và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan, trong đó sẽ tập trung vào công tác kiểm soát việc thực thi các quy định đã ban hành, điều chỉnh một số biện pháp quản lý mà trong quá trình thực hiện bộc lộ bất cập, chưa hợp lý, đồng thời áp dụng một số biện pháp mới tăng cường quản lý đối với doanh nghiệp hai bên. Các giải pháp chính bao gồm: Chấn chỉnh và tăng cường quản lý đầu mối của doanh nghiệp thực hiện tổ chức đưa lao động sang Đài Loan; Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo lao động, bỗi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động, kiểm soát tổng chi phí của người lao động trước khi xuất cảnh; Kiểm soát tình trạng lao động bị thu phí cao thông qua việc tăng cường xử lý khiếu nại của người lao động bị thu phí cao; và Tăng cường quản lý lao động tại Đài Loan nhằm góp phần giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn và tăng hiệu quả giải quyết vụ việc.

Nâng cao chất lượng nguồn lao động

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục thường xuyên giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp tuyển chọn lao động có sức khỏe tốt và ý thức tốt; tổ chức đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, và bồi dưỡng kiến thức cho người lao động trước khi đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan theo đúng quy định và đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng nước ngoài.

Trước sự kiện các cơ quan liên quan của Việt Nam và Đài Loan thống nhất khôi phục tiếp nhận lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc trong 2 ngành nghề lao động chăm sóc người bệnh trong các gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ từ ngày 15/7/2015, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng chỉ đạo và hướng dẫn sát sao các doanh nghiệp trong việc triển khai thí điểm đưa lao động Việt Nam sang làm khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ tại Đài Loan. Cục đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện việc xin cấp phép đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan và việc đưa lao động đi làm khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ tại Đài Loan; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện công tác đào tạo 2 nhóm lao động nêu trên đi làm việc ở Đài Loan, đồng thời biên soạn giáo trình đào tạo để các doanh nghiệp tham khảo thực hiện.

Với sự vào cuộc quyết liệt từ chỉ đạo và các giải pháp quản lý của Cục Quản lý lao động ngoài nước trong công tác đưa lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc, có thể nói, trong thời gian tới, Đài Loan vẫn sẽ tiếp tục là một thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam, với số lượng lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các thị trường lao động của Việt Nam.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh