Xuất khẩu lao động 2017: Mở rộng thị trường chất lượng
- Bài thuốc hay
- 01:54 - 30/01/2017
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, bên cạnh giữ vững các thị trường truyền thống, một số thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, các nước Trung Đông... sẽ mở rộng hơn trong năm 2017, tạo thêm nhiều cơ hội cho lao động tay nghề cao sang làm việc.
Ông có thể cho biết kết quả công tác XKLĐ năm 2016?
- Năm 2016, kế hoạch XKLĐ được giao là 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tính đến thời điểm này, đã có 126.296 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (46.029 lao động nữ; chiếm 36,45%), vượt 26,29% so với kế hoạch năm và bằng 108,89% so với năm 2015. Đây là năm thứ ba liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Trong đó có 68.244 lao động đi Đài Loan, 39.938 lao động đi Nhật Bản, 2.079 lao động đi Malaysia, 4.033 lao động đi Ả rập Xê út, 8.482 lao động đi Hàn Quốc và các thị trường khác.
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, bên cạnh giữ vững các thị trường truyền thống, năm 2017 sẽ mở rộng một số thị trường tiềm năng
* Năm 2016, thị trường Hàn Quốc đã được nối lại, ông có thể cho biết rõ hơn về thị trường này?
- Đây là một trong những thành công của công tác XKLĐ trong năm 2016. Trước đó, ngày 17/5/2016, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (MOU). Bản MOU được ký lại sau gần 4 năm bị gián đoạn, mở ra cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cho nhiều người lao động Việt Nam.
Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam. Thu nhập bình quân hàng tháng của NLĐ đạt 1.000 - 1.500 USD. Hiện nay ta có hơn 50.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. NLĐ Việt Nam được các doanh nghiệp sử dụng Hàn Quốc ưa thích tuyển dụng vì sự cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn và nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tính cách với người Hàn Quốc.
Trong năm 2016, Việt Nam đã đưa được 8.482 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; tổ chức 2 kỳ thi tiếng Hàn để tuyển chọn 2.100 lao động ngành sản xuất chế tạo, 1.300 lao động ngành ngư nghiệp và giới thiệu cho chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn trong nửa đầu năm 2017. Tuy nhiên, hiện có hơn 16.000 lao động Việt Nam theo Chương trình EPS đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Vấn đề này đang ảnh hưởng rất lớn tới việc ổn định và phát triển thị trường trong thời gian tới. Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các cấp chính quyền địa phương triển khai mạnh các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Ảnh minh họa
* Có nhiều thông tin cho rằng, các doanh nghiệp XKLĐ cạnh tranh không lành mạnh, không kiểm soát được chất lượng lao động cũng như việc doanh nghiệp thu tiền cao hơn quy định của NLĐ, ông có thể cho biết thực tế ra sao?
- Hiện nay, theo quy định, các doanh nghiệp phải trực tiếp tổ chức tuyển chọn lao động hoặc phối hợp với Ban chỉ đạo XKLĐ các địa phương, trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc các sở LĐ-TB&XH, các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ để giới thiệu các hợp đồng tuyển NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, cung cấp thông tin về các cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, phổ biến và tư vấn cho NLĐ. Thực tế, một số mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với chính quyền địa phương đã giúp tăng cường công tác quản lý hoạt động tuyển chọn lao động trên địa bàn, bước đầu hạn chế được hiện tượng NLĐ phải thông qua các tổ chức, cá nhân trung gian, giúp các doanh nghiệp tuyển chọn được lao động có nhân thân tốt đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại trường hợp doanh nghiệp giao nhiệm vụ vượt quy định cho chi nhánh, trung tâm đào tạo, văn phòng đại diện dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không kiểm soát được chất lượng và số lượng lao động đưa đi, hay các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cùng tuyển chọn trên một địa phương (như chi trả một số tiền lớn để có nguồn lao động) hoặc cùng một thị trường tiếp nhận lao động (như tăng phí môi giới trả cho đối tác, giảm các điều kiện hợp đồng). Để hạn chế tình trạng nêu trên Cục đã báo cáo Bộ LĐ-TB&XH ban hành các quy định cụ thể về mức chi phí đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ) cũng như các điều kiện cụ thể của hợp đồng cung ứng lao động; yêu cầu thực hiện nghiêm túc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ để đảm bảo chất lượng lao động; Thông tin cụ thể về chi phí để đi làm việc theo các hợp đồng được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Cục phối hợp với thanh tra Bộ và các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp nhằm phát hiện các sai phạm, chấn chỉnh hoạt động chưa đúng với quy định của pháp luật trong lĩnh vực đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là các sai phạm của doanh nghiệp về việc thu phí đối với NLĐ vượt quá mức quy định.
* Việc bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ tại nước ngoài được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài được đặt lên hàng đầu. Trước hết, các doanh nghiệp phải phối hợp với các đối tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ do doanh nghiệp đưa đi. Đối với các thị trường có nhiều lao động Việt Nam làm việc (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Ả rập Xê út, UAE) có các Ban Quản lý lao động tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chức năng quản lý lao động. Đối với những nước không có Ban Quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để làm tốt công tác bảo hộ công dân và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Cục thường xuyên chỉ đạo, giám sát DN, đặc biệt với các thị trường, lĩnh vực, ngành nghề có tính phức tạp, DN phải cử cán bộ sang bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Nếu có cán bộ đại diện ở nước ngoài, việc xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến NLĐ sẽ được xử lý nhanh, dứt điểm, không để gây ra những rủi ro về sau.
* Nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng đến những thị trường chất lượng cao trong năm 2017 được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Chất lượng lao động là yếu tố then chốt góp phần vào sự phát triển bền vững của hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, trong thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh việc giám sát các doanh nghiệp trong công tác tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, Cục sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài cho các đối tượng chính sách xã hội.Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng nghiên cứu, hoàn thiện Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025” trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục triển khai đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và CHLB Đức theo các chương trình đã ký kết.
*Ông có thể cho biết triển vọng XKLĐ cũng như thị trường lao động trọng điểm trong năm 2017?
- Năm 2017, kế hoạch đưa được 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động đã ký với các nước Thái Lan, Lào, Australia.
Chúng tôi cũng tiếp tục triển khai đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản và CHLB Đức theo các chương trình đã ký kết.
* Xin cảm ơn ông!