THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:32

Doanh nghiệp vừa và nhỏ có tỷ lệ thua lỗ cao

Toàn cảnh công bố báo cáo

 

Theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong năm 2016, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội chỉ đạt 6,21%, thấp hơn so với mức 6,68% của năm 2015 và chưa đạt được mục tiêu 6,7% đề ra.
Trong khi đó, năm 2016 lại ghi nhận số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, với 110.100 doanh nghiệp mới, đưa số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập cán mốc 1 triệu doanh nghiệp. Nghịch lý này cho thấy dường như số lượng doanh nghiệp ở ta không ít, nhưng giá trị còn thấp, mức đóng góp không lớn.
Theo Báo cáo, khu vực DNNVV vẫn dễ bị tổn thương nhất khi tỷ lệ thua lỗ cao nhất. Xét theo loại hình DN, 3 loại hình kinh doanh có tỷ lệ thua lỗ trên 50% là công ty hợp danh (64,1%); công ty cổ phần (53,4%), công ty TNHH (51,7%).
Đây là điều đáng lo ngại khi mà 2 trong 3 loại hình DN này đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong số DN đang hoạt động tại Việt Nam. Điều đó cũng lý giải một phần nguyên nhân khiến hơn 73.000 DN đã phải ngừng hoạt động và giải thể trong năm 2016. 
Trong 3 khu vực DN, tỷ lệ thua lỗ của các DN Nhà nước luôn thấp nhất, dưới 15% trong giai đoạn 2007 - 2010, sau đó tăng lên trong 4 năm gần dây, lên mức 17,5% năm 2015. Nguyên nhân là bởi so với DN FDI và DN ngoài Nhà nước, các DN Nhà nước có nhiều lợi thế và ưu đãi, chi phí bỏ ra ít hơn, chẳng hạn như chi phí liên quan đến mặt bằng sản xuất kinh doanh, nên hạch toán có lãi nhiều hơn so với các DN khác.
Tuy nhiên, Báo cáo khẳng định, tỷ lệ thua lỗ trên đây là xét về số lượng DN, còn về giá trị thua lỗ thì các DN Nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty luôn có những khoản thua lỗ khổng lồ.
Được xuất bản bắt đầu từ năm 2006, Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam là chuỗi báo cáo được Viện Phát triển doanh nghiệp, (VCCI) thực hiện hàng năm, là một trong những tài liệu quan trọng giúp các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ về tình hình phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, trên cơ sở đó xây dựng những hướng đi thích hợp phục vụ cho việc phát triển kinh doanh ở Việt Nam.
Đây là năm thứ 11 VCCI xây dựng Báo cáo này, theo đó, Báo cáo năm nay đưa ra bức tranh về thực trạng phát triển và năng lực của doanh nghiệp VN trong năm 2016, so sánh với giai đoạn 2007-2015, từ đó cho thấy những vấn đề cố hữu của khu vực doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết, chỉ ra những vấn đề cần cải thiện để nâng cao năng lực DN.
Trong đó, quản trị công ty là một vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra trên nhiều quốc gia, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008. Tuy nhiên vấn đề này lại chưa thực sự được các DN cũng như nhà hoạch định quan tâm đúng mức.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh