THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:16

“Không thể để trường học to đẹp, đồ sộ mà công trình phụ không quan tâm”

 

Nỗi ám ảnh vệ sinh trường học

Hiện vẫn còn nhiều trường học ở các địa phương thiếu nhà vệ sinh và tỷ lệ nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn còn ở mức khá cao. Điều này khiến các bậc phụ huynh tỏ rõ sự sốt ruột, lo ngại về sức khỏe của học sinh trước thực trạng hệ thống nhà vệ sinh trong các trường học đang ở mức báo động. Cùng với đó là nỗi ám ảnh lớn nhất của học sinh, đặc biệt là học sinh nữ chính là nhà vệ sinh quá bẩn, bốc mùi hôi không thể tưởng tượng được.

 

Nhà vệ sinh bẩn, vàng ố, hôi hám, trở thành nỗi ám ảnh và khiến nhiều học sinh “nhịn” đi vệ sinh.  


Hầu hết học sinh khi được hỏi về nhà vệ sinh cũng cho biết, phải rất “bí” các em mới dám đi vệ sinh ở trường do bẩn thỉu và mùi hôi khó chịu. “Mỗi ngày đi học, bố mẹ thường để cho em một chai nước trong ba lô, các bạn khác cũng thế, nhưng cả buổi chai nước vẫn không vơi đi chút nào. Dù có hôm khát đến khô họng nhưng vẫn không dám uống, cùng lắm chỉ dám nhấp một chút cho khỏi khô môi. Chúng em thà chịu khát chứ không chịu nổi mùi hôi nồng nặc của nhà vệ sinh của trường”, một em học sinh đang học THCS cho hay.

Trong khi đó, một số học sinh khác tiết lộ, khi không thể nhịn tiểu được nên đã “đi trộm” vào nhà vệ sinh của giáo viên vì ở đó “sạch sẽ và thơm tho, không bẩn như chỗ của học sinh, nhưng nhiều lúc “kẻ trộm bất đắc dĩ” cũng phải đầu hàng vì cửa nhà vệ sinh bị khóa”, một học sinh dí dỏm.

“Một năm chỉ đi họp phụ huynh có hai lần mà mỗi lần phải đi qua nhà vệ sinh của các con, tôi thấy thật kinh khủng. Những lúc như vậy, rất thương các con mà không biết phải làm sao”, chị Thu Hoài, phụ huynh của một học sinh tại một trường công lập thuộc quận Ba Đình cho biết. Chị Hoài cho rằng, các trường học mới chỉ quan tâm đến việc xây dựng nhà vệ sinh “đạt chuẩn” chứ chưa thực sự quan tâm đến việc dọn vệ sinh thường xuyên, đảm bảo môi trường vệ sinh sạch sẽ cho các con.

Chị Kiều Anh (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đã hai năm qua chị nghe con nói nhà vệ sinh trong trường rất bẩn và con nhịn luôn. “Con mình phản ánh “sợ” nhất là đi vệ sinh ở trường. Nhiều hôm đến đón con đã thấy cảnh tay túm quần, mặt nhăn nhó bảo mẹ cho về nhà nhanh không là... ướt quần. Vì thương con quá nên mình bảo con kể cả nhà vệ sinh bẩn cũng không được sợ, mắc tiểu là phải đi ngay”, chị Kiều Anh kể. Tuy nhiên, theo chị Kiều Anh, nước trong nhà vệ sinh của trường rong rêu, tanh lòm nên vào vệ sinh phải nín thở không chết ngạt, đến khi dội nước lại phát nôn ra nên con chị ám ảnh đến mức, thà bị “tè” ra quần còn hơn phải vào trong đó.

Còn chị Thu Huệ (Hoài Đức, Hà Nội) cũng bức xúc cho biết, mỗi năm chị phải bỏ một số tiền không nhỏ để đóng học khoản phí vệ sinh tại trường cho con. Tuy nhiên, nhà vệ sinh tại đây lại không được dọn dẹp thường xuyên nên lúc nào cũng bốc mùi hôi thối và ô nhiễm trầm trọng. “Thậm chí, đến các nhu cầu tối thiểu là giấy vệ sinh và nước xả cũng “lúc có, lúc không” khiến cho nhiều bé thà “nhịn” chứ nhất quyết không chịu đi vệ sinh ở trường. Có hôm nghe con phản ánh, hệ thống bóng đèn, đường ống nước hỏng cả tháng trời mà còn chưa được sửa thì bao giờ mới hết cảnh hôi thối được”, chị Huệ cho biết.

 Không để học sinh không dám uống nước và đi vệ sinh

Trước thực trạng trên, ngày 3/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đã đề nghị các ban ngành quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất trường học, ngay từ những việc rất cụ thể như khắc phục tình trạng nhà vệ sinh trường học bẩn thỉu, hôi hám. Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT trong dịp hè này phải phát động phong trào thi đua yêu nước trong cả nước nhằm huy động tất cả mọi nguồn lực để làm nhà vệ sinh và sửa chữa nhà vệ sinh ở các trường học.”Huy động tất cả các nguồn lực kinh phí để chấm dứt tình trạng trường học không có nhà vệ sinh ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống tâm lý của học sinh... “Không để tình trạng học sinh không dám uống nước và đi vệ sinh vì nhà vệ sinh quá bẩn. Không thể để diễn ra tình trạng trường học to đẹp, đồ sộ mà công trình phụ thì không quan tâm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại kỳ họp trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu ngành y tế phát động chiến dịch làm nhà vệ sinh, sửa chữa nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng tại tất cả các cơ sở y tế, bệnh viện. Các địa phương phải lập đoàn kiểm tra để kiểm tra công tác này trên địa bàn mình.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện cả nước có 97% các trường mầm non và 95% các trường THPT có công trình vệ sinh và nước sạch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường ở nhiều địa phương thiếu nhà vệ sinh và tỷ lệ nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn còn ở mức khá cao. Theo thống kê sơ bộ, đến nay, cả nước có 40% công trình vệ sinh ở trường mầm non chưa đạt chuẩn, ở bậc tiểu học tỷ lệ này cao hơn, ở mức 42,1%. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, nhưng quan trọng là hầu như các công trình này đã làm từ cách đây quá lâu mà chưa được sửa chữa, dẫn đến xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn.

Theo thông tin tại khoa Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi tuần có hàng chục trẻ em đến khám vì nhiễm trùng tiểu, trong đó ít nhất một nửa bệnh nhi phải nhập viện điều trị. Theo các bác sĩ ở đây, nguyên nhân chính khiến trẻ nhịn tiểu là nhà vệ sinh ở trường quá bẩn và tối, lại phải đi chung với nhiều người; giáo viên không cho đi vệ sinh trong giờ học nên các em đành nhịn, đợi đến khi về nhà mới dám đi. 

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh